Theo ông Tống Viết Trung, câu chuyện cạnh tranh giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ (Uber và Grab) đã thu hút sự chú ý không chỉ của dư luận, giới truyền thông mà còn các cơ quan quản lý. Các hãng taxi và những lái xe ôm truyền thống đối mặt với sự lựa chọn: thay đổi hoặc bị đào thải. Dù sự thay đổi diễn ra như thế nào, mọi việc sẽ không còn như xưa.

“Những thay đổi do Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0, hay còn gọi là cuộc cách mạng số, đã chạm đến cuộc sống của từng người theo những cách khác nhau. Cùng với những thách thức là những cơ hội mới, liệu Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội này để bứt phá, hay bỏ lỡ thời cơ, chấp nhận là người đi sau?” ông Tống Viết Trung nói.

Đại diện Viettel cho rằng, cách mạng công nghiệp luôn gắn với sự ra đời của những tri thức khoa học công nghệ mới, là cơ sở quan trọng để hình thành phương thức sản suất mới, từ đó thay đổi căn bản diện mạo của nền kinh tế. Có thể thấy mỗi cuộc CMCN là thách thức nhưng cũng là cơ hội để thay đổi vị thế quốc gia. Kịch bản này đúng với 3 cuộc cách mạng đã xảy ra, và chắc chắn sẽ lặp lại nếu các quốc gia tận dụng được thay đổi mà khoa học công nghệ mang lại.

Ông Tống Viết Trung nhấn mạnh rằng, đặc điểm chủ đạo của CMCN 4.0 là kết nối, tốc độ và tái tạo mô hình kinh doanh theo đó những mô hình kinh doanh cũ được tái tạo lại trong một hệ sinh thái công nghệ thông minh. Những mô hình kinh doanh mới sinh ta với tốc độ nhanh, dựa trên kết nối số đã và đang hủy diệt những cách làm cũ. Uber, công ty vận tải lớn nhất thế giới mà không cần sở hữu phương tiện vận tải, đạt mốc 1 tỷ chuyến đi năm 2015 chỉ sau 6 năm thành lập (2009). Hiện Uber đã hiện diện ở trên 633 thành phố, đạt giá trị thị trường trên 50 tỷ USD.

Với những nền tảng công nghệ số: nếu như Window đạt 1 tỷ người dùng sau 25 năm, thì Facebook chỉ cần 9 năm, và với WeChat là 6 năm. Airbnb hiện cũng là doanh nghiệp lưu trú lớn nhất hành tinh nhưng không sở và kết nối số. Nguồn lực đầu tư ban đầu ở các công ty này, trong nhiều trường hợp, là không đáng kể.

Như vậy, trọng tâm của Công nghiệp 4.0 là một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số. Dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy vào năm 2025 hàng loạt điểm bùng nổ số sẽ xuất hiện, chẳng hạn như 90% dân số sử dụng điện thoại thông minh và thường xuyên truy cập Internet; 80% người dân có hiện diện số trên Internet. 90% người dân có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo) và có 1 ngàn tỷ cảm biến kết nối với Internet, 50% lưu lượng kết nối ở nhà là từ các thiết bị và đồ gia dụng.

Hạ tầng kết nối được cải thiện sẽ là xương sống trong việc áp dụng các công nghệ mới như in 3D, Y tế và chăm sóc sức khỏe, Công nghệ sinh học, Giáo dục, hay Du lịch. Các công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở rộng phạm vi áp dụng trong xe ô tô không người lái, chăm sóc khách hàng, tự động hóa sản xuất, và quá trình ra quyết định. Xu hướng này sẽ đào thải và thay thế lao động phổ thông, tạo ra sự đột biến về năng suất.

Ông Tống Viết Trung cũng nhấn mạnh rằng, các khái niệm như Internet vạn vật (IoT), Điện toán đám mây, (Cloud computing), Công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ blockchain sẽ trở nên phổ biến, xóa nhòa khoảng cách giữa các quốc gia và dân tộc và sẽ tạo ra những cách thức, mô hình kinh doanh mới.

Ông Trung đưa ra phân tích, nếu như trong các cuộc cách mạng trước đây, nền tảng nguồn vốn, cơ sở vật chất, hạ tầng đòi hỏi rất hùng hậu, cần sự tích lũy trong thời gian dài, thì với cách mạng 4.0 sẽ không còn như vậy. Thực tế việc xây dựng nền tảng hạ tầng viễn thông băng rộng để truyền tải, lưu giữ, phân tích dữ liệu số sẽ ít tốn kém và nhanh chóng hơn rất nhiều so với đầu tư vào hạ tầng, đường sá, nhà xưởng, hay máy móc. Kinh doanh dựa trên công nghệ số cũng đòi hỏi ít vốn hơn nhiều so với các ngành công nghiệp truyền thống khác như cơ khí, luyện kim, hóa chất, sản xuất ô tô – những ngành đòi hỏi lợi thế về quy mô.

“Sự sẵn sàng về nguồn nhân lực, cũng như nền tảng tri thức để tiếp nhận được các tiến bộ khoa học công nghệ mới giữa các quốc gia, nhờ có Internet và quá trình toàn cầu hóa, đã được cải thiện và trở nên đồng đều hơn. Trong thời đại mới, hầu hết nhân loại đều có khả năng và có thể tiếp cận được ngay lập tức với những tri thức về khoa học công nghệ hàng đầu trên thế giới. Tuy  nhiên, với tốc độ phát triển chóng mặt như hiện nay, thời gian là một thứ hàng hóa xa xỉ và chờ đợi không phải là một lựa chọn khôn ngoan” ông Tống Viết Trung nói.

Thế nhưng, ông Tống Viết Trung cũng đưa ra nhận xét, Uber dù là doanh nghiệp tiên phong và đã gặt hái được nhiều thành công, hiện vẫn vấp phải những khó khăn. Công ty này đã thất bại tại thị trường Trung Quốc và đang bị cạnh tranh gay gắt bởi Grab tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á.

“Cơ hội để Việt Nam bắt kịp với cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn rộng mở, nếu chúng ta nhanh chóng có những bước đi và một chiến lược phù hợp” ông Tống Viết Trung nhấn mạnh.