Quyền Chủ tịch Viettel Lê Đăng Dũng cho biết, Metfone chính là phép thử thành công để cho Viettel tự tin thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài. |
Campuchia là phép thử cho Viettel vững tin đi ra nước ngoài
Năm 2004, Viettel mới khai trương dịch vụ di động ở trong nước thì đến năm 2006, Viettel đưa ra chiến lược đầu tư ra nước ngài và Campuchia là thị trường đầu tư đầu tiên. Việc Viettel quyết định đầu tư ra nước ngoài xuất phát từ triết lý và tầm nhìn của Viettel. Viettel cho rằng nếu một công ty mà thiếu đi sự tăng trưởng thì rất nguy hiểm vì thiếu đi cơ hội cho mọi người phấn đấu. Bên cạnh đó, con người không nằm trong thách thức sẽ bị tha hóa nhanh. Vì vậy, Viettel cần có sự tăng trưởng, nhưng nếu chỉ nhìn vào thị trường bị giới hạn hơn 90 triệu dân ở Việt Nam thì đến một thời điểm nào đó sẽ hết tăng trưởng.
"Năm 2007, chúng tôi được Chính phủ Campuchia cấp phép viễn thông. Mất khoảng hơn một năm để xây dựng mạng lưới, Metfone khai trương dịch vụ ngày 19/2/2009. Khi Viettel sang, ở Campuchia cũng có 7 nhà mạng viễn thông nhưng gần như không có mạng nào mạnh cả. Đó là cơ hội của Viettel và khoảng 2-3 năm sau, chúng tôi đã vượt lên công ty đứng số một thị trường lúc bấy giờ. Đó là bước phát triển có thể nói là thần kỳ. Sau 10 năm, tôi thấy việc đầu tiên làm được đó là xây dựng mạng lưới hạ tầng viễn thông ngang tầm khu vực cho Campuchia. Thứ hai, chúng tôi cung cấp các gói dịch vụ cho cả người dân thành thị, nông thôn. Thường người ta nghĩ viễn thông là thứ gì đó xa xỉ, chỉ có người giàu dùng di động, nhưng chúng tôi nghĩ khác, cần phải nới rộng để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ" ông Dũng nói.
Có một điểm đặc biệt khi Viettel vào thị trường này là trước đó gần như không có mạng cáp quang nhưng khi vào thì Metfone dựng hơn 20.000 km, đó là những ví dụ về câu chuyện về việc phát triển mạng lưới hạ tầng viễn thông Campuchia ngang tầm khu vực, thế giới. Khi có hạ tầng, mạng lưới tốt, Viettel quyết định cung cấp dịch vụ cho tất cả vùng sâu vùng xa, chiến lược gần giống như Việt Nam. Ông Lê Đăng Dũng cho rằng, đã làm viễn thông phải làm cho tất cả mọi người, coi viễn thông giống cơm ăn, áo mặc. Một điểm đặc biệt nữa, công nghệ viễn thông thay đổi liên tục, người ta nói đến công nghệ 3G, 4G, sắp tới 5G. Thị trường viễn thông ở Campuchia thực hiện rất tốt, các bước đi về công nghệ, thậm chí còn triển khai 4G trước cả Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, Metfone có 9 triệu thuê bao di động phát sinh cước, 100.000 thuê bao cố định băng rộng và duy trì vị thế số 1 về thị phần tại Campuchia với thị phần di động chiếm 48%, thị phần cố định băng rộng chiếm 60%. Không chỉ vậy, sự ra đời của Metfone đã góp phần làm cho giá cước viễn thông trung bình tại Campuchia giảm từ 2-4 lần, mật độ thâm nhập của các dịch vụ viễn thông tăng lên từ 2-10 lần (di động tăng từ 29% lên 80%, băng rộng cố định tăng từ 2% đến 15%).
Ông Lê Đăng Dũng cho biết, chính sự thành công của Viettel ở Campuchia làm cho Viettel tự tin đầu tư sang nước khác như đầu tư sang Lào rồi vươn xa hơn sang châu Phi, Mỹ La tinh… Khi ra nước ngoài, Viettel sẽ được cạnh tranh với những công ty lớn trên thế giới. Quan trọng hơn cả, thị trường nước ngoài là nơi đào tạo con người Viettel tốt nhất.
Metfone sẽ đi đầu trong chiến lược chuyển đổi số
Bình luận về chiến lược của Metfone, ông Lê Đăng Dũng phân tích, các doanh nghiệp nội dung số lớn nhất thế giới hiện nay đều không phải là doanh nghiệp viễn thông. Họ không có mạng lưới truyền dẫn, hoạt động dựa trên hạ tầng mà công ty viễn thông tạo ra nhưng lại có tốc độ phát triển cũng như giá trị thị trường lớn hơn gấp nhiều lần. Trong khi đó, ngành viễn thông thế giới lại chứng kiến sự sụt giảm về mọi chỉ tiêu trong những năm gần đây. Theo ông Lê Đăng Dũng, không nói đến cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra như vũ bão và tạo nên thế hệ những người khổng lồ công nghệ, thì một trong các lý do chính dẫn đến điều này là các doanh nghiệp viễn thông vẫn đang hài lòng với việc bán cuộc thoại (voices), bán hạ tầng truyền dẫn, kết nối mạng. Mặc dù doanh thu sụt giảm so với trước, song đó vẫn là những khoản thu lớn đáng mơ ước. "Nhưng cứ để tiếp tục thế thì mấy “ông” khai thác dịch vụ số sẽ “ăn” trên lưng mình" ông Dũng nói.
"Việc đầu tiên Viettel phải nghĩ đến, đó là không gọi mình là nhà điều hành viễn thông nữa mà là nhà cung cấp dịch vụ số. Nếu mình vừa là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, vừa là nhà cung cấp dịch vụ số như thanh toán số, ngân hàng số, nội dung số... thì chắc chắn sẽ rất mạnh. Đó là bài toán chuyển đổi của năm 2019. Thậm chí chúng tôi cấm nhau nói Viettel là công ty viễn thông, phải là nhà cung cấp dịch vụ số." ông Lê Đăng Dũng nói thêm.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia – ông Samdech Pichey Sena Tea Banh đã chúc mừng những thành tựu Metfone đạt được trong 10 năm qua |
Sau 10 năm, Metfone đang thực hiện cuộc đua với chính mình để trở thành nhà cung cấp dịch vụ số như ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh. Theo đó, nhiệm vụ mà Viettel đặt cho Metfone là phải trở thành Công ty tiên phong, kiến tạo và dẫn dắt công cuộc xây dựng nền kinh tế và xã hội số tại Vương quốc Campuchia bằng những công nghệ tiên tiến nhất. Viettel sẽ tiếp tục hiện đại hoá Metfone bằng những công nghệ tiên tiến nhất như 5G, Trí tuệ nhân tạo AI, Thực tế ảo VR, Big data...
Ông Lê Đăng Dũng cho rằng, tại Campuchia, Metfone đang có lợi thế nhất định để Viettel có thể thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Viettel đang xây dựng mạng lưới 4G tốt nhất tại Campuchia, phủ sóng rất rộng, tốc độ thậm chí còn tốt hơn hơn Việt Nam đồng thời chuẩn bị cho công nghệ 5G trong tương lai.
"Ở Campuchia, chúng tôi cung cấp dịch vụ eMoney. Điểm khác của dịch vụ này là đối với nhiều dịch vụ tương tự, khách hàng vẫn phải có tài khoản ngân hàng, khi giao dịch ngân hàng sẽ tự trừ tiền. Khi trở thành ngân hàng số, tài khoản viễn thông của Viettel có thể dùng như tài khoản ngân hàng, dùng để tiêu, rút tiền ra, nạp tiền vào không còn dựa vào ngân hàng nữa. Ngoài ra, phát triển dịch vụ nội dung số cũng là chiến lược rất quan trọng của Metfone. Khi có nền tảng viễn thông, công nghệ thông tin rồi, Metfone có thể sáng tạo nhiều dịch vụ nội dung số, thậm chí có thể chọn cách bản địa hóa các nội dung số ở thế giới vầ cả Việt Nam để cung cấp cho khách hàng. Tất nhiên có hai điều kiện, thứ nhất là Chính phủ cấp phép và thứ hai, Viettel khẳng định tiềm lực của mình là đủ để làm." - ông Lê Đăng Dũng chia sẻ.