Ông Phùng Văn Cường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho biết, Viettel tập trung vào việc phát triển nhanh hạ tầng số, xây dựng nền tảng công nghệ dùng chung |
Nhiều doanh nghiệp ICT cũng đã triển khai giải pháp thành phố thông minh, vậy Viettel sẽ xây dựng giải pháp Smart City như thế nào?
Năm 2011, Viettel đã có định hướng đưa ứng dụng CNTT - Viễn thông vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Đến năm 2013 - 2014, Viettel đã bắt đầu quá trình thực hiện dự án Smart City tại Việt Nam. Sau 2 năm, biên bản ghi nhớ đầu tiên về việc triển khai Thành phố thông minh đã được ký kết giữa Viettel với UBND Thành phố Đà Nẵng.
Ngày 15/10/2018, sự kiện thành lập Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel đánh dấu bước chuyển dịch chiến lược của Viettel tại giai đoạn thứ 4 - giai đoạn kinh doanh toàn cầu và Cách mạng Công nghiệp 4.0. Không chỉ phục vụ mục đích kinh doanh, Tổng Công ty còn mang sứ mệnh đồng hành cùng Chính phủ xây dựng thành công Chính phủ số, hợp tác cùng các doanh nghiệp và người dân để giải quyết các vấn đề của xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, vì một Việt Nam phát triển bền vững.
Đến nay, Viettel vẫn tiếp tục tiếp cận và đề xuất triển khai các giải pháp Smart City cho tất cả các tỉnh trên toàn quốc, trong đó đã ký kết hợp tác chiến lược với 22 đơn vị trong số 33 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chiếm 67%. Viettel đang từng bước xây dựng các kiến trúc tổng thể cũng như kiến trúc chuyên ngành, các ứng dụng công nghệ cho các địa phương này.
Đơn cử như ở Đà Nẵng, Viettel tham gia xây dựng mô hình kiến trúc tổng thể và 2 mô hình kiến trúc chuyên ngành cho y tế và giáo dục; đồng thời cũng triển khai thí điểm y tế thông minh và giáo dục thông minh. Tại Phú Thọ và Thừa Thiên - Huế, Viettel đã bắt đầu triển khai Trung tâm Điều hành thông minh, đem lại những hiệu quả nhất định.
Đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam cũng như trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, Viettel mong muốn chung tay với nhiều doanh nghiệp đang cung cấp giải pháp để cùng hợp tác, đưa ra giải pháp phù hợp với khung kiến trúc và đặc chưng nhu cầu của từng tỉnh. Việc hợp tác này giúp Việt Nam bắt kịp “chuyến tàu” Cách mạng công nghiệp 4.0 và người dân sẽ được hưởng thụ các tiện ích tốt nhất của đô thị thông minh.
Hiện nay việc xây dựng Smart City tại Việt Nam chưa có một tiêu chuẩn chung. Vậy Viettel triển khai Smart City dựa trên tiêu chí cụ thể nào?
Theo khuyến nghị của ITU (Liên minh Viễn thông Quốc tế), để xây dựng được thành phố thông minh (không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới), chúng ta cần phát triển 18 nhóm sản phẩm nằm trong 6 lĩnh vực trụ cột.
Trong đó, Viettel chủ động đầu tư nghiên cứu, triển khai xây dựng thành phố thông minh dựa trên tình hình thực tế của Việt Nam. 9 nhóm sản phẩm mà Viettel lựa chọn đóng góp vào bức tranh tổng thể Smart City bao gồm: Nhóm sản phẩm Khung kiến trúc; Nhóm sản phẩm hạ tầng; Nhóm sản phẩm tương tác; Nhóm sản phẩm lĩnh vực Y tế thông minh; Nhóm sản phẩm Giáo dục thông minh; Nhóm sản phẩm Giao thông thông minh; Nhóm sản phẩm An toàn, bảo mật thông tin; Nhóm sản phẩm Quản lý thông tin báo chí và truyền thông; Nhóm sản phẩm Trung tâm Giám sát điều hành.
Bên cạnh đó, để xây dựng thành công chính quyền điện tử và tạo nền móng xây dựng Thành phố thông minh, Viettel xây dựng Trung tâm Điều hành Thông minh cho các địa phương với nhiệm vụ như một cơ quan đầu não. Trung tâm là công cụ để điều hành, giám sát các hoạt động đời sống xã hội, vận hành các ứng dụng cho thành phố thông minh.
Trung tâm Điều hành Thông minh dựa trên các nền tảng công nghệ mới nhất như nền tảng trục tích hợp dữ liệu giúp liên thông dữ liệu dân cư, dữ liệu hành chính công, dữ liệu giao thông, y tế, giáo dục, trí tuệ nhân tạo... Đồng thời, Trung tâm kết hợp phân tích dữ liệu lớn giúp tỉnh, thành phố nhìn được các xu hướng của xã hội.
Đây là một sản phẩm đặc thù và chuyên biệt mà Viettel tự chế tạo, xây dựng.
Với việc áp dụng công nghệ hiện đại, giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách cho người dân. Vậy theo ông, cuộc sống tương lai của người dân Việt Nam trong Smart City sẽ như thế nào?
Người dân sẽ được sống trong một thành phố “thông minh” đúng nghĩa. Chẳng hạn hệ thống camera giám sát kết hợp cảm biến và trí tuệ nhân tạo để tự động phát hiện ùn tắc, điều chỉnh đèn giao thông thông minh, tự động phát hiện các trường hợp vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, vượt quá tốc độ cho phép, đi sai làn, đếm phương tiện giao thông. Nhờ vậy, thành phố có thể lên phương án tối ưu trong việc thiết kế, phân bổ, xây dựng hạ tầng giao thông tối ưu, hiệu quả. Người dân có thể chủ động ra quyết định khi tham gia giao thông cho phù hợp, kịp thời.
Bên cạnh đó, Smart City cũng có thể thông qua nhận diện, phân tích, xử lý hình ảnh để phát hiện gây rối, tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, truy tìm các đối tượng nguy hiểm. Những đám cháy được phát hiện bằng các thiết bị kết nối không dây hiện đại, sử dụng công nghệ internet kết nối vạn vật IoT, kết hợp phân tích dữ liệu để đưa ra các nguy cơ xảy ra cháy nổ. Hệ thống cảnh báo cháy nhanh sẽ hỗ trợ lực lượng Phòng Cháy chữa cháy lên phương án tác nghiệp hiệu quả, điều khiển các phương tiện chữa cháy đến hiện trường nhanh nhất thông qua công nghệ bản đồ số kết hợp thuật toán tìm đường tối ưu thông minh.
Nhìn chung, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi Smart City hoàn thành. Không chỉ đơn thuần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, Smart City còn giúp hỗ trợ bảo vệ người dân trong các tình huống nguy cấp.
Như vậy, Smart City là một bài toán tổng hợp rất lớn. Viettel sẽ triển khai như thế nào?
Tại Việt Nam, Viettel là đơn vị đi tiên phong triển khai Smart City. Sau khi Viettel phát động, rất nhiều các đơn vị, doanh nghiệp cũng tham gia vào lĩnh vực này. Đây là một tín hiệu mừng bởi lĩnh vực Smart City là lĩnh vực lớn, phức tạp, nhu cầu triển khai nhiều và còn mới tại Việt Nam. Việc có nhiều nhà cung cấp cùng tham gia sẽ mang lại giải pháp tốt hơn cho Việt Nam.
Với vai trò là đơn vị tiên phong, Viettel mong muốn thu hút thêm nhiều doanh nghiệp cùng hợp tác trong lĩnh vực này, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông, y tế, môi trường... Mục tiêu của Viettel là nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, cải thiện hiệu quả quản trị, vận hành các lĩnh vực và tăng tính cạnh tranh của tỉnh/thành phố.
Để làm được điều đó, Viettel tập trung vào việc phát triển nhanh hạ tầng số, xây dựng nền tảng công nghệ dùng chung; tập trung nghiên cứu, làm việc với các đối tác trong và ngoài nước được đánh giá cao về lĩnh vực Smart City để xây dựng nền tảng về đô thị thông minh phù hợp với Việt Nam. Qua đó, cung cấp ra những giao diện lập trình, tạo ra hệ sinh thái, thu hút rất nhiều doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp Start-up tham gia ứng dụng và xây dựng đô thị thông minh.
Trong năm 2019, lộ trình triển khai Smart City của Viettel như thế nào?
Với mục tiêu chung là đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu trên thị trường trong việc triển khai các sản phẩm, lĩnh vực của thành phố thông minh trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tập trung triển khai các sản phẩm, giải pháp tại 22 tỉnh, thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác với Viettel. Đặc biệt, Viettel tập trung hoàn thiện tỉnh mẫu về thành phố thông minh tại Huế và Phú Thọ.
Mặt khác việc đưa ra bộ tiêu chuẩn dành cho Smart City là cần thiết và bắt buộc phải có. Chúng tôi đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đề xuất Khung kiến trúc tổng thể xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam.
Viettel triển khai các giải pháp, sản phẩm trong các lĩnh vực đều dựa trên nhu cầu và hiện trạng thực tế của từng địa phương, đồng thời hợp tác với rất nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới để áp dụng các giải pháp, tiêu chuẩn trong từng lĩnh vực.
Cám ơn ông!