Tik Tok mới vào Việt Nam nhưng đã có khá nhiều người sử dụng. |
Tại Tọa đàm về bảo vệ quyền riêng tư người dùng khi chuyển sang chính phủ số trong khuôn khổ Diễn đàn Internet 2019 tổ chức tại Hà Nội hôm 21/3/2019 vừa qua, vấn đề nhà nước cần có chính sách bảo vệ thông tin riêng tư của người dùng mạng Internet như thế nào đã nhận được sự chú ý của nhiều người.
Chuyện lộ lọt thông tin riêng tư của người dùng như điện thoại, email, tài khoản ngân hàng, hay là thói quen dùng mạng Internet cũng bị các nhà cung cấp dịch vụ Internet mang bán, hoặc tiết lộ cho bên thứ 3 đã diễn ra ngày càng nhiều, ngay cả một mạng xã hội có đông người dùng nhất như Facebook cũng đang phải đối mặt với cáo buộc vì làm lộ thông tin của hàng trăm triệu tài khoản. Vậy Việt Nam cần ứng xử như thế nào trước việc thông tin của người dùng có thể bị lợi dụng, biến thành các món hàng hóa như vậy.
Luật sư Nguyễn Hùng Quang, Công ty luật Nguyễn Hùng Quang và cộng sự, cho rằng, hiện Việt Nam chưa có luật bảo vệ quyền riêng tư cá nhân riêng, nhưng có ít nhất 10 điều luật liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền riêng tư các nhân đã được quy định trong các luật đã có hiệu lực như: Luật An ninh mạng, Luật giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin, Luật bảo vệ người tiêu dùng… trong các luật này đều thông qua các điều khoản quy định đến bảo vệ quyền riêng tư.
Khi Chính phủ xây dựng Nghị quyết về chính phủ điện tử, trong nghị quyết mới thay thế cho các văn bản ban hành trước đây cũng mổ xẻ về việc phải quy định về bảo vệ quyền thông tin, và chính phủ cũng chuẩn bị ban hành một số hướng dẫn bảo vệ quyền thông tin riêng tư đó cho những chủ thể sẽ tham gia vào hệ thống chính phủ điện tử.
Trước câu hỏi dành cho nhà cung cấp mạng chia sẻ video có 1 tỷ người dùng Tik Tok rằng, từ 1/1/2019 Luật An ninh mạng có hiệu lực trong đó có quy định các nhà cung cấp dịch vụ mạng có trách cung cấp thông tin người dùng cho cơ quan chức năng khi người đó thuộc đối tượng bị điều tra. Vậy khi hành vi vi phạm của đối tượng đang bị điều tra chưa rõ ràng mà cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp thì Tik Tok có cung cấp không, Tik Tok có cơ chế thế nào để từ chối cung cấp thông tin người dùng hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách của Tik Tok cho rằng, Việt Nam hiện có hai luật liên quan đến việc bảo vệ an toàn thông tin trên mạng đó là Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng. Chính sách của Tik Tok là đi vào thị trường nào, quốc gia nào sẽ phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Do đó nếu có yêu cầu chính thống từ 1 cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tik Tok sẽ cung cấp thông tin theo yêu cầu. Hiện Tik Tok thiết lập đường dây nóng để kết nối làm việc với cơ quan chính quyền, đường dây nóng này vừa hỗ trợ người dùng khi có sự cố, một mặt khác cơ quan nhà nước phát hiện có điều gì chưa phù hợp pháp luật sẽ thông báo qua đường dây nóng này và sự việc sẽ được giải quyết nhanh trong 24h.
Ông Lâm Thanh cũng khẳng định, nền tảng Tik Tok không khuyến khích người dùng đăng những nội dung tiêu cực, chỉ tập trung phát triển các nội dung tích cực và mang tính địa phương cao, nội dung phù hợp với các điều kiện, văn hóa ở từng địa phương.
Với một nền tảng xuyên biên giới chi phí để xây dựng công cụ bảo vệ quyền riêng tư rất lớn. Phần lớn những thông tin riêng tư bị lộ, lọt lại đến từ chính hành vi của người dùng, do đó nếu thay đổi nhận thức của người dùng được tính ngay từ đầu thì sẽ giảm chi phí khá nhiều. Các nền tảng bắt buộc phải bảo vệ quyền riêng tư của người dùng nếu người dùng không có quyền riêng tư thì nền tảng đó không có độ tin cậy và hệ thống sẽ không thể hoạt động được. Nên bảo vệ quyền riêng tư là điều kiện bắt buộc các nền tảng phải thực hiện.
Ông Lâm Thanh cũng cho rằng, việc bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật thông tin mạng đang vấp phải một số rào cản về pháp luật và công nghệ. Hiện nay nhà nước cần phải ban hành các hướng dẫn thực hiện và yêu cầu cụ thể để các nền tảng thực hiện. Phải phân biệt mức độ riêng tư của từng loại dữ liệu, dữ liệu nào được phép chia sẻ, ai được quyền chia sẻ, chia sẻ ở mức độ nào, dữ liệu nào tuyệt đối không được chia sẻ. Cái đó phải quy định rất cụ thể. Ví dụ dữ liệu quốc gia cũng cần chia sẻ cho người dân và các cơ quan chính quyền sử dụng, nhưng cần phải có quy định rõ những dữ liệu này chia sẻ cho các cấp nào, ai có quyền truy cập, sử dụng các dữ liệu đó. Những điều này đòi hỏi phải được nhà nước hướng dẫn một cách hết sức chi tiết.