Sau khi 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone, VinaPhone cung cấp dịch vụ 4G thì cuộc đua về giá cước bắt đầu nóng. Các nhà mạng liên tục đưa ra những gói cước 4G “khủng” để kích cầu khách hàng. Nhìn bức tranh gói cước 3G và 4G thấy điều rất rõ nét là gói cước 3G vừa đắt vừa chậm trong khi gói cước 4G vừa nhanh vừa rẻ. Thế nhưng, cuộc chiến này dường như đang quá đà khi có các nhà mạng tung ra gói cước quá khủng chỉ với 400.000 – 500.000 đồng khách hàng có thể sử dụng 4G “tẹt ga” cho cả năm. Trong cuộc họp mới đây với các chuyên gia nước ngoài về quản lý thị trường viễn thông, Cục Viễn thông đã thừa nhận thị trường đang có những gói cước 4G mang tính “hủy diệt” lẫn nhau.
Trả lời câu hỏi của ICTnews bình luận về bài toán kinh doanh khi các nhà mạng không cung cấp được dịch vụ 3G như kỳ vọng, trong khi đó 4G nằm trong thời điểm đang đầu tư và hiệu quả kinh doanh 4G vẫn còn là một bài toán để ngỏ. Cho đến thời điểm này, các nhà mạng đang tung ra gói cước gọi là “hủy diệt” lẫn nhau. Vậy còn với 5G thì câu chuyện kinh doanh của các nhà mạng sẽ ra sao khi 3G chưa thực sự thành công còn 4G đang lao vào cuộc chiến “hủy diệt”?
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương cho biết, chi phí cho 1GB của 4G thấp hơn 3G và của 5G lại còn thấp hơn, tuy nhiên cụ thể thấp hơn bao nhiêu phần trăm thì vẫn chưa có một con số cụ thể. Chi phí trên 1GB của 4G thấp hơn 70% so với 3G. Đầu tư trạm thì gần như nhau. Với 4G, lợi nhuận nhà mạng không giảm so với 3G, đồng thời người dùng được lợi ích hơn, phục vụ mục tiêu kinh tế số. Tuy nhiên, bài toán kinh doanh của 5G không chỉ nhắm vào smartphone mà còn là ví dụ như xe ô tô thông minh tiêu thụ data bằng khoảng 70 smartphone. Đấy chính là doanh thu lớn cho các nhà mạng. Hoặc như laptop, PC. Cuối năm nay, Asus, HP, Lenovo sẽ ra các laptop như smartphone chạy trên Snapdragon. Nhu cầu về dữ liệu lúc này sẽ gấp mấy lần tiêu thụ dữ liệu của smartphone. Bên cạnh đó IoT sẽ là nguồn thu chính cho 5G, chứ không phải smartphone.
“Đối với lộ trình 5G, Việt Nam nên đi trước, hoặc ít nhất đi bằng, chứ không nên đi sau. Sau này, khi chính thức cung cấp dịch vụ 5G sẽ đi vào 3 lớp băng tần. Mặt khác, 3G, 4G là băng tần thấp nhưng có độ phủ lớn, nhưng 5G có thêm băng tần trung và băng tần cao. Băng tần càng cao tốc độ càng lớn. Sau này, 5G sẽ là một lớp ở trên băng tần trung ở các thành phố lớn. Vì vậy, không phải chúng ta triển khai 4G chậm thì triển khai 5G cũng chậm. Nếu 4G hoạt động tốt, nếu trung tâm thành phố có sử dụng ô tô tự lái thì lúc đấy cũng sẽ cần đến 5G. Đừng vì làm 4G chậm mà làm 5G chậm” ông Thiều Phương Nam nói.
Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề chuẩn 5G vẫn chưa được xác lập và chưa có thiết bị đầu cuối cho công nghệ này, vậy cơ quan nhà nước và nhà mạng phải chuẩn bị gì cho lộ trình tiến lên 5G? Ông Thiều Phương Nam cho biết, cách đây một tháng, Qualcomm lần đầu tiên đưa ra nguyên mẫu smartphone 5G ở Hồng Kông và đây là lần đầu tiên 5G được đưa vào smartphone. Từ trước đến nay, các thiết bị 5G rất lớn và to, khiến mọi người nghĩ đưa 5G vào smartphone mất nhiều thời gian hơn. Qualcomm đã chấp nhận thách thức đấy. Kết quả là cách đây 1 tháng, Qualcomm đã giới thiệu thiết bị smartphone 5G. Các nhà sản xuất smartphone lớn như Sony rất hào hứng về vấn đề này. Theo kế hoạch thì nửa đầu 2019, các nhà sản xuất smartphone sẽ có smartphone 5G.
“Trước đây, tôi đã có từng nói rằng chúng ta nên bắt đầu chuẩn bị cho 5G vì thời gian không còn sớm. Tôi hi vọng chuẩn 5G trong năm 2018 sẽ được hoàn thiện, không thay đổi nữa để các tổ chức có thể thống nhất chuẩn 5G. Từ trước đến nay, các thiết bị đều sản xuất dựa trên chuẩn trước 5G (pre 5G). Tôi nghĩ trên 90% là đã ổn. Trong năm 2018 thống nhất chuẩn nữa là xong. Thiết bị đầu 2019 sẽ có. Triển khai mặt thương mại 5G còn rất nhiều việc phải chuẩn bị. 5G khác công nghệ khác vì có 3 lớp băng tần. Lớp millimetre wave từ khoảng 28GHz trở lên dành cho những tốc độ siêu cao với hàng chục GB mỗi giây. Đến lớp tầm trung dưới 6GB, tốc độ khoảng 5 Gigabit mỗi giây. Sau đấy là LTE. Công nghệ 5G là dựa trên nền tảng của 4G là OFDMA, và đấy cũng là phát minh của Qualcomm. Chuẩn bị băng tần cho 5G phức tạp hơn rất nhiều, vì phải chuẩn bị lớp băng tần cho 6GHz, chuẩn bị cho 28 – 35GHz. Chiến lược của các nhà mạng cũng sẽ phải thay đổi. 5G sẽ có rất nhiều small cell, không dùng micro cell nhiều, đặc biệt là cho những sóng cao. Các nhà mạng nên bắt đầu chuẩn bị cho chiến lược triển khai những hot spot small cell 5G. Qualcomm có thể giới thiệu small cell 5G vào năm sau. Chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Nhưng các nước hiện nay trên thế giới và các nhà mạng đều thống nhất đến năm 2019 sẽ bắt đầu triển khai đại trà” ông Thiều Phương Nam nói.