Qualcomm đang tổ chức sự kiện Snapdragon Summit 2019 tại Mỹ, bắt đầu từ hôm nay 3/12. Bên lề sự kiện, ông ST Liew, Chủ tịch Qualcomm Đài Loan và Đông Nam Á, đã có những chia sẻ của ông về 5G và nền tảng Snapdragon vừa ra mắt của hãng.
Trả lời PV ICTnews về việc có thách thức nào đối với Việt Nam khi triển khai 5G hay không, ông ST Liew cho rằng khi triển khai một thứ gì đó mới, chắc chắc có các việc cần phải làm, mà ông không muốn gọi chúng là thách thức.
Ông ST Liew, Chủ tịch Qualcomm Đài Loan và Đông Nam Á. Ảnh: H.Đ |
“Tôi nghĩ mọi thứ mới mẻ đều chứa đựng những công việc phải làm. Quan trọng bạn phải xác định được mình muốn làm gì. Tôi nghĩ các nhà mạng và chính phủ Việt Nam đã bàn bạc về những việc phải làm rồi. Do đó chắc chắn đã có giải pháp”, ông ST Liew nói.
Đại diện Qualcomm cho biết thường xuyên sang Việt Nam và Malaysia nhiều hơn so với các nước khác ở Đông Nam Á. Về 5G, chính phủ Việt Nam rất quyết tâm thực hiện và có tầm nhìn về vấn đề này.
“Tôi rất mừng vì chính phủ tỏ rõ quyết tâm trong việc triển khai 5G. Tôi cho rằng khi đã có quyết tâm thì việc gì cũng thực hiện được”, đại diện Qualcomm phụ trách Đông Nam Á khẳng định.
“Cũng giống như Việt Nam đang hướng tới công nghiệp 4.0 hay thành phố thông minh phải đối mặt với những công việc phải thực hiện, thì 5G cũng tương tự như vậy. Chỉ cần tìm giải pháp triển khai mà thôi”, ông ST Liew nói tiếp.
Ông cho rằng Việt Nam là đất nước sản xuất công nghiệp, do đó khi có được nền tảng kết nối 5G, kết hợp với hệ thống nhà máy thông minh, thành phố thông minh, công nghiệp 4.0 thì chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
Bên cạnh hỗ trợ đối tác nhà mạng thực hiện các cuộc thử nghiệm triển khai 5G tại Việt Nam gần đây, đại diện Qualcomm cho biết còn làm việc với các đối tác phần cứng trong nước như VinGroup, VNPT, Bkav và Homatech để phát triển thiết bị. Việt Nam có sẵn hạ tầng 4G LTE rất mạnh, do đó việc triển khai lên 5G cũng không quá khó khăn. Trong năm tới, phía Qualcomm cho biết sẽ tích hợp công nghệ Dynamic Spectrum Sharing (DSS) trong các gói giải pháp của hãng, cho phép các doanh nghiệp viễn thông có thể tận dụng hạ tầng 4G hiện tại để phát triển lên 5G, có thể sử dụng qua lại giữa 4G và 5G khi cần thiết.
Theo lộ trình thông thường, mạng tốc độ cao 5G sẽ được triển khai trước tiên ở một số khu vực ở thành phố lớn, sau đó phát triển dần sang các khu vực nông thôn. Phía Qualcomm dự báo năm 2020-2021 Việt Nam sẽ phủ sóng 5G tương đối, phục vụ được các nhóm đối tượng chính yếu ban đầu như các toà nhà, cụm nhà máy, khối doanh nghiệp,...
“5G là xu hướng toàn cầu, khó có thể nói rằng một nước nào đó có nên nâng cấp lên 5G hay không, vấn đề là triển khai nhanh hay chậm mà thôi”, đại diện Qualcomm cho biết.
Trong việc phát triển mạng 5G, Việt Nam nằm trong số những quốc gia đầu tiên thử nghiệm mạng di động thế hệ thứ 5. Cuối tháng 4/2019, Viettel đã lắp đặt, tích hợp trạm 5G đầu tiên Việt Nam tại Hà Nội, và tiến hành cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam một tháng sau đó.
Hồi đầu tháng 8, Viettel tiến hành tích hợp hạ tầng mạng lưới và phát sóng thử nghiệm 5G tại Quận 10, TP.HCM. Các mạng VinaPhone và MobiFone đều đã được cấp phép triển khai 5G, cả hai mạng thử nghiệm phát sóng ở một số quận tại TP.HCM.
Tại sự kiện Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định cần triển khai sớm mạng 5G nếu muốn đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0, muốn phát triển ICT, để người dân và doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng khẳng định, 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Việt Nam sẽ cho thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại năm 2020 và sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G.