Cá nhân mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp, hợp lệ.

Ngay trong những ngày đầu năm mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã hé lộ về động thái mạnh tay của NHNN trong hoạt động xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống. Lãnh đạo ngành NH cũng cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng luật tạm gọi là Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các NH và xử lý nợ xấu.

Quản chặt người đứng đầu

Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh luật trên sẽ có những quy định rất chặt chẽ để hạn chế các trường hợp liên quan tới sở hữu cổ phần, cổ phiếu để thao túng, dùng NH phục vụ lợi ích cho công ty sân sau.

“Ví dụ, các cá nhân mua cổ phần NH phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp, hợp lệ, không được sử dụng vốn vay dưới bất cứ hình thức nào. Cá nhân nào vi phạm các quy định thì vĩnh viễn không được tham gia quản trị điều hành NH” - ông Hưng dẫn chứng.

Bình luận về động thái trên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế NH, nhận xét: “Cần làm mạnh mẽ như vậy thì mới đủ sức răn đe. Hệ thống tín dụng là xương sống, là mạch máu chi phối toàn bộ nền kinh tế nên không thể dễ dãi được”.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nói dù muộn song quyết định này của NHNN là rất phù hợp. Bởi những năm gần đây có nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra tại một số NH mà nguyên nhân một phần xuất phát từ việc cho phép các cổ đông vay tiền bên ngoài mua cổ phiếu nhưng thiếu sự kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng không phải cứ thấy lãnh đạo nào sai, bị “cấm cửa” khỏi ngành NH là hệ thống tổ chức tín dụng sạch sẽ ngay được. Cho nên vấn đề cốt lõi là phải làm sao để kiểm soát cả những cá nhân, đoàn thể, các tổ chức tín dụng dùng sở hữu của mình để lũng đoạn NH. Để làm được điều này hội đồng quản trị các NH cần phải tuyệt đối tuân thủ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Chẳng hạn cá nhân không sở hữu quá 5%, tổ chức không sở hữu quá 15%, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

“Thực tế cho đến bây giờ mức sở hữu trần này bị phá vỡ tại một số NH, tức có số lượng cổ phần cao hơn quy định. Chính vì thế cần phải thoái vốn những trường hợp vượt trần kể trên ngay trong năm nay” - ông Hiếu nhấn mạnh.

{keywords}

NHNN đang có nhiều động thái để ngăn chặn tình trạng thao túng ngân hàng. Trong ảnh: Bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng) được dẫn giải về trại giam sau khi bị xét xử tại TAND TP.HCM.

Minh bạch vốn góp

Ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank, cho rằng dùng tiền đi vay để đầu tư cổ phiếu rất dễ dẫn đến tiêu cực và không đúng theo nguyên tắc đầu tư. Bởi vốn đi vay mang tính ngắn hạn sẽ sinh ra những áp lực về tài chính và gây ảnh hưởng đến NH.

Tuy vậy, tổng giám đốc Eximbank phân tích bản chất việc sở hữu chéo, đầu tư chéo không xấu. Chỉ có cá nhân lợi dụng việc đó mà làm sai, vun vén, dùng cho mục đích khác mới xấu. Còn nếu nhà đầu tư là người có tiềm lực, có tầm nhìn dài hạn thì sở hữu chéo không quá lo ngại.

“Hơn nữa, việc đầu tư chéo, sở hữu chéo chỉ là một tiền đề, là một điều kiện thôi chứ tự nó không thể làm ra sự nhũng nhiễu, lũng đoạn, thâu tóm cả NH được” - ông Quyết nói.

Ông Lê Văn Quyết cũng cho biết minh bạch thông tin là chủ trương mà NH này đã và đang theo đuổi. Vì muốn duy trì niềm tin của khách hàng thì NH buộc phải minh bạch mọi thông tin.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để minh bạch hoạt động NH thì các cá nhân, nhóm, tổ chức khi mua cổ phiếu NH phải nộp cho NHNN bản báo cáo tài chính riêng. Trong đó phải chứng minh được số tiền mua cổ phiếu được dùng từ nguồn nào, phải dùng tiền tích lũy hoặc tiền bán tài sản riêng để đầu tư.

Chưa xử lý triệt để tình trạng thao túng ngân hàng

NHNN vừa đưa ra dự thảo lần 1 báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Bản dự thảo nhận định hiện nay tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động NH chưa được xử lý triệt để.

Cũng theo dự thảo, các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số tổ chức tín dụng vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp…

Từ đó, NHNN đề nghị bổ sung vào trong luật các tổ chức tín dụng: Nguồn vốn có được do các tổ chức tín dụng cấp tín dụng không được sử dụng để góp vốn mua cổ phần của bất kỳ tổ chức tín dụng nào.

Ngoài ra, NHNN cũng nhận thấy một trong các nguyên nhân chính để xảy ra việc các tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng yếu kém trong thời gian qua là do năng lực của người quản trị, điều hành tại một số tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập hoặc do các hành vi sai phạm từ người quản lý, điều hành dẫn tới thất thoát tài sản của tổ chức tín dụng.

Do đó đặt ra yêu cầu cần phải có các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ hơn đối với người giữ chức danh quản lý, điều hành tại các tổ chức tín dụng. Ví dụ, các cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về hoạt động NH bị cấm vĩnh viễn không được là người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng...

Ở Việt Nam, cá nhân được sở hữu cổ phần ít hơn doanh nghiệp. Cụ thể, cá nhân chỉ được giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần là không quá 5%, đối với tổ chức là không vượt quá 15% vốn điều lệ của một NH. Nhưng ở Mỹ thì ngược lại, cá nhân được sở hữu nhiều hơn doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được mua 5% vốn điều lệ, còn cá nhân là 10%.

Lý do là các chuyên gia kinh tế của Mỹ nhận thấy rằng khả năng tài chính của cá nhân thường sẽ giới hạn hơn so với một doanh nghiệp. Do đó, một cổ đông là tổ chức muốn thao túng, lũng đoạn NH dễ dàng hơn so với cổ đông là một cá nhân.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS NGUYỄN TRÍ HIẾU

(Theo Pháp luật TP.HCM)