Bà Nguyễn Thị Minh Phương, ông Bùi Tiến Dũng hay ông Trần Xuân Giá,... là những đại gia đang mắc bệnh hiểm nghèo ngay sau khi vướng vào vòng lao lý.

Trong vụ xét xử đại giá Oceanbank, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1975, nguyên Phó TGĐ ngân hàng Đại Dương) đã vắng mặt với lý do đang điều trị ung thư. Theo xác minh của TAND Hà Nội thì nữ bị cáo bị ung thư, sau khi có tin xét xử lại nhập viện để điều trị. 

Người của tòa đã vào BV Bạch Mai xác minh thì bị cáo đang điều trị bệnh, bệnh viện cũng nhận định bị cáo này khó có thể tham dự phiên tòa.

Về sự vắng mặt của bị cáo Phương, Tòa án xét thấy quá trình điều tra đã nhận thấy bị cáo phải xạ trị, mổ nhiều lần và đang điều trị, vì vậy HĐXX quyết định tạm đình chỉ vụ án với bị cáo Phương.

Bị cáo Phương bị cơ quan tố tụng truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Phương được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chi trả tiền lãi suất ngoài hợp đồng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. 

{keywords}
Vướng lao tý đại gia mắc bệnh hiểm nghèo

“Mắc bệnh hiểm nghèo” cũng là  tình tiết gây tranh cãi trong vụ án bầu Kiên. Lý do hoãn phiên xử được chủ tọa đưa ra là bởi vắng mặt ông Trần Xuân Giá, do  điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) vì chứng phì đại tiền liệt tuyến, đang chờ mổ. Điều này, theo chủ tọa phiên tòa, là đã có xác minh của Bệnh viện.

Luật sư bào chữa cho ông Trần Xuân Giá đã xin hoãn phiên tòa vì lý thân chủ của mình không đảm bảo sức khỏe, và bản thân ông Giá cũng có đơn xin hoãn. Ông Trần Xuân Giá cho biết chắc chắn không thể tham dự phiên tòa vì không đủ sức khỏe.

Ông Trần Xuân Giá bị VKSND tối cao truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án liên quan đến bầu Kiên.

Tại phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Trương Thị Tuyết Nga (SN 1961, Hoa hậu quý bà thành đạt năm 2009) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, người thân của Hoa hậu quý bà  đã có đơn gửi lên TAND cấp cao tại TP.HCM. Theo đó, họ đề nghị đưa bà Nga đi giám định tâm thần vì cho rằng bà Nga đang có những hiện biểu hiện mắc bệnh.

Khi ra trước vành móng ngựa, bị cáo Trương Thị Tuyết Nga có biểu hiện ngơ ngác. Trước khi bị bắt, bà nguyên là GĐ bệnh viện Quốc tế Vũ Anh, GĐ Công ty đầu tư xây dựng Vũ Lan. Việc bà bị bắt từng gây xôn xao dư luận.

{keywords}
Bệnh hiểm nghèo là cớ để nhiều bị cáo xin giảm nhẹ tội

Đại án tham nhũng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội gây thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng, bị cáo Trương Thị Út - nguyên Phó Trưởng phòng tín dụng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do hoàn cảnh của gia đình khó khăn khi chồng đang bị bệnh hiểm nghèo và đang chạy thận. Bản thân bị cáo và con gái cũng có bệnh. Bị cáo Út bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù và phải bồi hoàn hơn 10 tỷ đồng.

Đỗ Tiến Long, nguyên cán bộ Phòng tín dụng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội nêu kháng cáo của bị cáo này. Bị cáo Long hiện đang điều trị tại Bệnh viện K và có đơn xin xét xử vắng mặt. 

Theo luật sư, bị cáo Long xin giảm nhẹ hình phạt và giảm nhẹ trách nhiệm bồi thường dân sự. Bởi, bị cáo Long cho rằng, mình bị tuyên phạt mức án quá cao và có kiến nghị xin xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Không chỉ vậy, đang trong thời gian chịu án, các bị cáo cũng xin tạm đình chỉ vì bệnh nặng. Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên Ma Nghĩa Hùng đã ký quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho người bị kết án Bùi Tiến Dũng khi đang chấp hành án phạt tù tại trại giam Phú Sơn 4, với lý do người bị kết án Bùi Tiến Dũng bị ung thư phổi và có tiên lượng xấu.

Bùi Tiến Dũng nguyên là Tổng Giám đốc PMU 18 cùng nhiều đồng phạm khác bị khởi tố điều tra truy tố tại 2 bản án. Riêng Bùi Tiến Dũng phạm 3 tội “đánh bạc”, “đưa hối lộ” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo luật sư Phạm Ngọc Minh, pháp luật có những quy định về việc tạm thời “dừng” việc truy cứu trách nhiệm pháp lý nếu người đó mắc bệnh và cần phải điều trị. Trong một số trường hợp, nếu có căn cứ chứng minh việc khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đây cũng là một trong số những lý do dẫn tới việc cứ khi hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức bị phát hiện thì một số người “đột nhiên” bị bệnh.

Nếu bị cáo vắng mặt vì lý do mắc bệnh (có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền) thì phải hoãn phiên tòa hoặc bị cáo bị tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì vụ án bị tạm đình chỉ đến khi bị cáo khỏi bệnh mà không phải được miễn xét xử.

Bảo Anh (tổng hợp)