Khi những ông chủ du lịch trở thành tay ngang

Không gian tại một văn phòng làm việc ở quận 1, TP.HCM bừa bộn với những hộp khẩu trang đủ loại, các mẫu mã khẩu trang đa dạng. 7h tối, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Trần Văn Long đang ngồi và so sánh những chiếc khẩu trang cầm trên tay: Độ đàn hồi của quai đeo như thế nào? Nẹp mũi có chắc không? Mức tĩnh điện của nguyên liệu làm sản phẩm ra sao?

Hai năm trước, không ai có thể nghĩ rằng sếp của một công ty kinh doanh lữ hành lớn lại trở thành chuyên gia về khẩu trang trên thị trường ngày hôm nay.

“Người tiêu dùng Việt Nam nghĩ khẩu trang có màu xanh, màu trắng, 3 lớp hay 4 lớp là khẩu trang y tế nhưng thực tế không phải. Khẩu trang phải có các tiêu chí: lọc được virus, lọc được bụi mịn, kháng máu. Ba chỉ tiêu trên gần như công ty nào cũng đạt, nhưng chỉ tiêu cuối cùng là áp suất thở thì không nhiều công ty làm được, trừ khẩu trang do chúng tôi sản xuất. Áp suất thở chính là việc người dùng đeo khẩu trang giao tiếp không bị cảm giác ngạt”, ông Long phân tích.

{keywords}
 
{keywords}
Bên trong nhà máy sản xuất khẩu trang của Công ty Du lịch Việt

Bán nhà, bán tài sản để tập trung đầu tư vào hướng đi mới là một quyết định không dễ dàng đối với vị Tổng giám đốc này. Số tiền bỏ ra đầu tư để chủ động nguồn nguyên liệu, mua sắm dây chuyền sản xuất khẩu trang đến giờ đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Để khẩu trang thương hiệu Ecom Med có mặt được tại các cơ sở y tế ở Mỹ như hiện tại thì doanh nghiệp phải trải qua những tháng ngày “chảy máu mắt”, theo lời ông Long mô tả.

“Ngày thông báo quyết định chuyển đổi là thời khắc căng thẳng. Anh em cán bộ nhân viên đều khóc. Tôi khóc. Chúng tôi rơi nước mắt tạm xa du lịch. Rồi chúng tôi lại bơ vơ trong những ngày đầu chập chững làm thương mại, bị lừa bị gạt nhiều. Một số người chán nản”.

Nhưng đó là câu chuyện của 2 năm trước. Giờ thì những chiếc khẩu trang “Made in Việt Nam” đã xuất khẩu tới hàng loạt quốc gia trên thế giới và đang phát triển ở thị trường trong nước. 

Cách văn phòng của Du lịch Việt khoảng 1.700 km, ở đầu kia của đất nước, CEO của AZA Travel - Nguyễn Tiến Đạt - lại chọn hướng đi tập trung kinh sản xuất, kinh doanh dòng bia tươi organic để song song duy trì mảng du lịch khi dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường.

“Chúng tôi đang tạo ra một hệ sinh thái để bổ trợ nhau lúc này. Trước khi có Nghị định 100, chúng tôi kinh doanh truyền thống đến trực tiếp các nhà hàng. Sau đó, hàng quán đóng cửa dần rồi dịch bệnh ập đến nên công ty chọn phương thức tiếp cận mới, ship sản phẩm về tận nhà. Chúng tôi không chỉ tận dụng các kênh riêng mà còn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử khác”, ông Đạt chia sẻ.

Cả hai doanh nghiệp du lịch đều cho rằng, những mô hình tồn tại song song là cần thiết khi kinh doanh lữ hành đang trong thời kỳ “đóng băng”. Ở mỗi thời điểm, các doanh nghiệp sẽ có sự tính toán, ưu tiên nguồn lực cho kênh nào dựa trên cơ hội và thách thức của mảng kinh doanh đó.

{keywords}
TGĐ Công ty Du lịch Việt Trần Văn Long đang so sánh các mẫu khẩu trang trên thị trường

Chuyển đổi số là bắt buộc?

Mặc dù đang chú trọng vào mặt hàng bia của doanh nghiệp nhưng CEO Nguyễn Tiến Đạt cũng trăn trở khi nghĩ về cách thức vận hành của du lịch trong thời gian tới. Chuyển đổi số là điều cần bàn.

“Trước đây khách hàng hay đến công ty du lịch thì giờ họ mua tour ở nhà. Khách hàng có thể giao tiếp và mua sắm online, trực tiếp từ phía cung cấp dịch vụ chứ không cần qua các trung gian hay đại lý du lịch nữa”, vị CEO AZA Travel phân tích.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp du lịch vừa, nhỏ và siêu nhỏ là không dễ dàng. Chuyển đổi số được cho là xu hướng không thể cưỡng lại nhưng một số doanh nghiệp đang cân nhắc các giải pháp tài chính.

“Số tiền bỏ ra sẽ lớn. Công ty lớn có thể thuê kỹ sư viết phần mềm hoặc đội ngũ viết phần mềm riêng còn chúng tôi thì tính phương án chuyển đổi số bằng cách mua lại những format phần mềm đã viết để ứng dụng rồi áp dụng từng phần trong kinh doanh”, ông Đạt nói.

Đồng quan điểm với vấn đề chuyển đổi số, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) cho rằng, không chuyển đổi số thì các doanh nghiệp sẽ khó lòng tồn tại. Thích ứng để tồn tại còn không phải chuyển đổi nghề nghiệp.

“Đại dịch đến, khi người ta hạn chế tiếp xúc trực tiếp thì phải dùng các công cụ trực tuyến. Phải có quảng cáo từ xa, marketing số, phải tận dụng big data để đưa thông tin sản phẩm lên các kênh online. Đây là xu thế tất yếu không cần bàn cãi nữa. Vấn đề là chúng ta có thể thích ứng được hay không?”, ông Bình đặt câu hỏi.

Lĩnh vực đào tạo du lịch cũng cần có những bước chuẩn bị cho tiến trình chuyển đổi số của ngành lữ hành. Thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có hơn 100 cơ sở đào tạo bậc đại học có đào tạo về du lịch, nhưng nhiều trường không đủ điều kiện cho giảng dạy chuyển đổi số.

{keywords}
Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, hàng ngày vẫn tự mình ship bia cho khách hàng

GS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, cho rằng, các trường đều có ý tưởng nhưng chưa thể làm được, đây là cả một quá trình chứ không thể trong nay mai.

“Cần có một hệ thống bài giảng hợp lý, khoa học. Ngoài ra, chuyển đổi số là cơ quan nhà nước phải hỗ trợ đào tạo cho hệ thống giáo viên giảng dạy. Ngoài kiến thức chuyên môn ngành du lịch, họ phải có kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin và cả am hiểu ngoại ngữ. Đây là vấn đề rất rộng”, GS. Đính nhận định.

Có thể nói, các chuyên gia đều cho rằng, dịch Covid-19 đến mang theo khó khăn cho ngành du lịch nhưng trong thách thức có cơ hội. Mỗi khủng hoảng đi kèm là sự xáo động, sắp xếp lại các hoạt động kinh tế. Tự bối cảnh sẽ chọn doanh nghiệp nào thích hợp, doanh nghiệp nào không thích hợp để sinh tồn.

“Dịch bệnh góp phần thanh lọc hoặc chuyển đổi lại các mô hình công ty du lịch. Doanh nghiệp sẽ sang một trạng thái khác. Nó là sự thúc ép phải thay đổi. Có cái mất đi và có cái sinh ra, chuyện đó rất bình thường. Du lịch là ngành dịch vụ tái tạo tinh thần, nâng cao năng suất lao động nên không thể thiếu khi xã hội phát triển được. Cục diện toàn ngành không quá bi quan”, đại diện VITA nêu quan điểm.

Trong bối cảnh đó, đều đặn hàng ngày, trước cửa trụ sở của Công ty Du lịch Việt có những chiếc xe 45 chỗ đưa nhân viên là cử nhân đại học đến nhà máy khẩu trang. 7h xuất phát và 17h quay về. Họ đóng góp công sức vào sản lượng sản xuất 5 triệu khẩu trang/ngày của công ty lữ hành top đầu Việt Nam.

“Chẳng ai mong đại dịch để đi bán khẩu trang cả. Chúng tôi đầu tư đường dài vì sức khỏe cộng đồng. Lữ hành đã ở trong máu nên chúng tôi không bao giờ bỏ, chỉ đang chờ ngày gặp lại. Còn người ta chê cười vì tôi đi bán khẩu trang ư? Kệ họ đi, nếu không có mưa rơi thì nắng đẹp chẳng bao giờ tới”, ông Long nói.

Theo Tổng Cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người tương đương giảm 78,7% so với năm trước. Trong đó, hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020; từ quý II đến nay chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Trong nước, mặc dù dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch nội địa vẫn hoạt động nhưng liên tục bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. 

Quảng Định