Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, nếu có dấu hiệu nào cho thấy có nhà mạng thực sự tiếp tay cho doanh nghiệp nội dung (CSP) phát tán tin nhắn rác thì Bộ sẽ xem xét để xử lý theo đúng quy định.
Tin nhắn rác đang gây bức xúc dư luận trong thời gian gần đây |
"Nếu biết CSP phát tán tin nhắn rác mà vì ăn chia lợi nhuận, cố tình bỏ qua thì sẽ xem xét xử lý nhà mạng theo đúng quy định", Bộ trưởng trả lời báo chí ngày 15/1.
Theo Bộ trưởng, trong thực tế, đúng là có chuyện nhà mạng không quản lý chặt chẽ thuê bao cũng như CSP do mình cấp đầu số. Một điều nữa cũng không thể phủ nhận là tin nhắn rác gửi đi càng nhiều thì các CSP này và nhà mạng càng được lợi. Cơ chế cấp đầu số thời gian qua có một lỗ hổng lớn là các nhà mạng được cấp đầu số cho CSP nhưng lại không có quyền giám sát, kiểm tra hoạt động của CSP đó. "Bạn kinh doanh dịch vụ cho thuê ô tô nhưng khách chở người, chở hàng lậu hay không thì bạn không kiểm tra được. Chỉ khi nào công an phát hiện họ chở hàng lậu thì sẽ xử lý. Vấn đề là nếu một người A thuê xe của bạn để chở hàng lậu nhiều lần thì bạn có cho thuê hay không? Cũng như nhà mạng, nếu phát hiện ra một CSP nhiều lần gửi tin nhắn rác thì có nên cắt đầu số hay không?", Bộ trưởng so sánh. "Đúng là nhà mạng không có quyền ngăn chặn hoạt động của CSP vì CSP phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng nếu phát hiện thấy người thuê có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà lại không hành động gì thì vô hình chung đã tiếp tay cho họ".
Do đó, nhà mạng cần ngăn chặn tình trạng sai phạm của CSP trước khi cơ quan điều tra phát hiện ra, Bộ trưởng nhấn mạnh. Mặt khác, để hạn chế tình trạng sai phạm từ các đầu số, Bộ dự kiến sẽ quản lý dịch vụ nội dung số theo hướng cơ quan quản lý trực tiếp cấp phép đầu số cho CSP.
Đồng tình rằng tin nhắn rác đang gây bức xúc lớn trong xã hội, cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức, Bộ trưởng khẳng định Bộ TT&TT sẽ tăng cường quản lý vấn đề này trong thời gian tới. Trước đây, Bộ đã đề xuất và được Thủ tướng đồng ý ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến tin nhắn rác như Nghị định 90 về chống thư rác, Nghị định 77 sửa đổi một số điều về chống thư rác, Thông tư 04 về quản lý Sim, thuê bao trả trước, Thông tư 14 về quản lý cước thuê bao dịch vụ... Trong đó nêu ra các chế tài, yêu cầu người dùng nếu muốn sử dụng dịch vụ di động sẽ phải kê khai danh tính. Đây là một hướng để hạn chế tin nhắn rác bởi tin nhắn rác chủ yếu xuất phát từ SIM rác, từ các thuê bao ảo.
Tuy vậy, do các văn bản phát hành riêng rẽ và cách xa nhau nên kết quả đạt được chưa nhiều. Trước yêu cầu của xã hội, cuối tháng 12 vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành tiếp chỉ thị số 82 về chống tin nhắn rác. Đây được đánh giá là một đợt tấn công "tổng lực" của cơ quan quản lý nhằm vào vấn nạn này, khi nêu rõ vai trò của tất cả các bên liên quan, từ Cục Viễn thông, Cục An toàn Thông tin, Trung tâm VNCERT cho đến doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp nội dung....
Đòn tổng lực này là hết sức cần thiết, bởi theo Bộ trưởng, "cần thấy rằng chống tin nhắn rác không phải là việc của riêng cơ quan quản lý mà mọi người đều phải tham gia hưởng ứng".
Bản thân người dùng khi đi đăng ký dịch vụ cũng nên làm đúng Quy định là kê khai thông tin đầy đủ, chính xác, tránh tình trạng để cho đại lý SIM khai hộ, dùng một Chứng minh thư để đăng ký cho hàng loạt SIM....
Rõ ràng, đại lý bán SIM đang là một mắt xích rất yếu, đòi hỏi sự quản lý siết chặt trong thời gian tới. Bộ mong muốn các nhà mạng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra đại lý trong năm 2015: Những đại lý nào không thực hiện theo quy định đăng ký danh tính thì sẽ xử phạt. Đồng thời, bản thân nhà mạng cũng cần thực hiện nghiêm Thông tư 14, khi bán SIM chỉ bán đúng mệnh giá chứ không kèm khuyến mại, không biến SIM thành thẻ cào, Bộ trưởng nêu rõ.
Liên quan đến phản ánh của báo chí về việc tin nhắn rác cũng đang hoành hành trên các ứng dụng OTT, Bộ trưởng Son cho biết tiến tới, cơ quan quản lý sẽ có Thông tư về quản lý các dịch vụ kiểu này để làm lành mạnh hóa thị trường viễn thông.
T.C