Bộ Xây dựng đang tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi). Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất một số chính sách liên quan đến giá vé máy bay và trách nhiệm bồi thường của các hãng đối với việc chậm, huỷ chuyến bay.

Theo Bộ Xây dựng, luật hiện hành đang cho phép các hãng được mua sắm máy bay dựa trên nhu cầu, mục tiêu mà chưa tính toán đến khả năng đáp ứng của hạ tầng cảng hàng không, khả năng giám sát an toàn khai thác máy bay của nhà chức trách hàng không. Điều này đe doạ đến an toàn hàng không.

Thêm vào đó, hiện tượng máy bay chậm, huỷ chuyến vẫn còn nhiều. Tuy nhiên việc ứng xử và bồi thường cho khách hàng chưa hợp lý, điều này gây bức xúc.

Trước những bất cập đó, Bộ Xây dựng đề xuất sửa luật theo hướng bổ sung các nội dung liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển đối với hành khách trong trường hợp máy bay khởi hành sớm. 

trong-05-ngay-nghi-le-nia-da-phuc-vu-hon-420-ngan-luot-khach-dam-bao-an-toan-tuyet-doi.jpg
Luật Hàng không sửa đổi quy định rõ trách nhiệm bồi thường của các hãng để chậm, hủy chuyến. Ảnh: NIA 

Song song đó, luật hóa trường hợp được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại; nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp hành khách được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm mà không phải do lỗi của hành khách.

Đáng lưu ý, dự thảo luật cũng đặt ra các quy định nhằm kiểm soát việc mua sắm máy bay ồ ạt.

Đại diện Vietnam Airlines bày tỏ sự ủng hộ quy định này, tuy nhiên Công ty cổ phần Hàng không Vietjet lại cho rằng “chưa phù hợp với xu hướng hội nhập kinh doanh của Việt Nam trên thị trường thế giới”.

Đại diện Vietjet cho biết, quy định kiểm soát mở rộng đội bay là mâu thuẫn với quy định của pháp luật Việt Nam về quyền của doanh nghiệp. Cụ thể ở đây là hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp - căn cứ theo Điều 7, Luật Doanh nghiệp và Khoản 2, Điều 5,  Luật Đầu tư.

“Việc mua máy bay của Vietjet ngoài phục vụ mục đích phát triển đội bay tự khai thác còn cho mục đích kinh doanh dưới hình thức bán và thuê lại máy bay. Đây là hình thức kinh doanh thông lệ trên thế giới và được pháp luật cho phép…”, Vietjet lý giải thêm.

Giải đáp vấn đề này, Bộ Xây dựng, cho rằng nội dung chính sách chỉ hướng đến hoạt động của đội bay khi trực tiếp đưa vào khai thác, có ảnh hưởng đến việc giám sát an toàn hoạt động bay và việc sử dụng, phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay.

“Doanh nghiệp vẫn hoàn toàn chủ động việc mua đi bán lại, cho thuê theo hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê, cho thuê, nếu không đưa máy bay vào khai thác trực tiếp, không sử dụng kết cấu hạ tầng...”, đại diện Bộ Xây dựng lý giải và cho biết chủ trương này cũng được Bộ Công an đề xuất để tăng cường trách nhiệm của Nhà nước.