Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cách làm dày công từ tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách cũng như bộ công cụ quản lý OCOP của Quảng Ninh là chất liệu tốt trong hoạch định chính sách phát triển sản phẩm trung ương tới địa phương.

Điển hình về cách làm tổng thể, hệ thống

Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, thực ra, trước Quảng Ninh đã có một số tỉnh, thành phố triển khai những chương trình phát triển sản phẩm nhưng Quảng Ninh là điển hình trong cách làm tổng thể, hệ thống và mạnh mẽ nhất.

Minh chứng cho nhận định này là những kết quả ấn tượng từ chương trình OCOP Quảng Ninh: từ một số ít sản phẩm truyền thống, phần nhiều là tự cung tự cấp, Quảng Ninh đã phát triển được 210 sản phẩm hàng hóa được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận. Trong đó 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Nhiều sản phẩm OCOP được xuất khẩu tại chỗ, phục vụ trên 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế và nội địa, sản phẩm OCOP cũng đã đi vào bữa ăn của hơn 11 vạn công nhân mỏ cũng như công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

180 tổ chức sản xuất đã hình thành trong đó phần lớn là các HTX kiểu mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại vốn khởi nguồn từ tổ, nhóm, sản xuất nông thôn, kinh tế gia trại. Doanh thu OCOP Quảng Ninh trong 3 năm cũng đạt đến gần 700 tỷ đồng, con số lớn, trên bình diện sản phẩm OCOP là những sản vật địa phương có giá trị nhỏ.

{keywords}

Nói về những kinh nghiệm của Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Những kết quả đạt được qua hơn 3 năm triển khai chương trình OCOP, từ chỗ nhà nước khuyến khích, động viên người nông dân tổ chức sản xuất hàng hóa, thì đến nay, họ đã rất tự giác đăng ký sản phẩm.

Không những thế, thành công của chương trình còn là sự đón nhận của thị trường đối với các sản phẩm OCOP được sản xuất với chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên thông qua việc đánh giá, phân loại sản phẩm theo các tiêu chí khắt khe được tổ chức thường niên.

Vấn đề cốt lõi đối với sản xuất hàng hóa chính là tiêu thụ, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, đây là nền tảng quan trọng của sản xuất hàng hóa tập trung, trong khi đó để tiêu thụ tốt thì theo kinh nghiệm của Quảng Ninh, phải đầu tư cho sản xuất, có chính sách hỗ trợ kịp thời, có những cơ chế đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng tổ chức các cuộc thi sáng tạo mẫu mã bao bì hàng năm để ngày càng hoàn thiện chất lượng và diện mạo của sản phẩm.

Từ thực tiễn triển khai của cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng cho thấy, chủ trương cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế theo hướng nội sinh là hết sức đúng đắn.

Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT quyết định phát động chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để phát triển nông thôn gắn với 2 mục tiêu cốt lõi là xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.

Các Sở nông nghiệp trong cả nước sẽ tham khảo quá trình xây dựng Đề án và kinh nghiệm thực hiện trong thực tiễn ở Quảng Ninh, từ đó xây dựng kế hoạch ở mỗi địa phương một cách “sáng tạo”, phù hợp với điều kiện đặc thù ở từng tỉnh (có tiến hành thí điểm). Về phía Bộ Nông Nghiệp, thứ trưởng Trần Thanh Nam sẽ làm trưởng nhóm thu thập tài liệu từ trường hợp OCOP Quảng Ninh và biên soạn bộ quy trình hướng dẫn thực hiện để các Sở nông nghiệp tham chiếu.

Cần cơ sở pháp lý và cơ chế đặc thù

Theo các chuyên gia, để nhân rộng chương trình OCOP Quảng Ninh, rất cần các cơ sở pháp lý và cơ chế đặc thù cũng như hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường.

Ông Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng: “Cần tạo ra cơ sở pháp lý làm căn cứ thực hiện, trao nguồn “vốn mồi” để khởi nghiệp, có các chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm nằm trong quy hoạch chiến lược quốc gia được nâng tầm từ địa phương lên quốc gia rồi quốc tế”.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng: “Để OVOP Hà Nội, OCOP Quảng Ninh nói riêng và “Mỗi xã một sản phẩm” của cả nước nói chung phát triển, thì cần phải có các cơ chế đặc thù hỗ trợ đất đai, khoa học công nghệ, thị trường…”

Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Nam dược Y Võ (TP Uông Bí, Quảng Ninh) chia sẻ: “Tham gia chương trình OCOP, doanh nghiệp rất cần sự quan tâm của các ngành, cấp và địa phương bằng những chính sách, cơ chế, hành động hỗ trợ cụ thể; các cơ quan chuyên môn phải tích cực hơn nữa trong việc tư vấn cho người dân hoàn thiện các quy trình đảm bảo chất lượng đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh xúc tiến thương mại...”

D.Minh (tổng hợp)