Thông tin nêu trên là một nội dung trong phần trả lời của Bộ TT&TT đối với kiến nghị của một số Sở TT&TT liên quan đến việc xây dựng các tiêu chuẩn về thành phố thông minh.
Các chuyên gia nhận định, sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa đã kéo theo không ít những thách thức, điển hình là sự gia tăng về dân số kèm theo tình trạng dân số già, các vấn đề về môi trường, xu thế cắt giảm ngân sách, các vấn đề sức khỏe, y tế và sự phát triển bền vững... Những thách thức này đã tạo áp lực buộc quá trình đô thị hóa phải điều chỉnh để tiến tới hình thành một thành phố đáng sống hơn, phát triển bền vững hơn. Quá trình dịch chuyển đó sẽ làm cho đô thị trở nên thông minh hơn.
Thực tế tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Bình Dương… đã và đang triển khai xây dựng, phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển mô hình thành phố thông minh cho địa phương mình.
Quá trình xây dựng và triển khai các đề án, quy hoạch phát triển mô hình thành phố thông minh, không chỉ các địa phương mà ngay cả các doanh nghiệp cung cấp giải pháp như VNPT, Viettel, DTT… cũng có nhu cầu muốn được hướng dẫn về các tiêu chuẩn với đô thị thông minh.
Trong phần trả lời kiến nghị của Sở TT&TT Vĩnh Phúc mới đây, Bộ TT&TT cho biết, về hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế đối với đô thị thông minh, xây dựng đô thị thông minh liên quan đến rất nhiều bên và vai trò của tiêu chuẩn cũng thuộc nhiều lớp khác nhau. Theo Tổ chức tiêu chuẩn hóa Anh quốc (BSI), các tiêu chuẩn trong đô thị thông minh được chia làm 3 lớp cơ bản gồm Chiến lược; Quy trình; và Tiêu chuẩn kỹ thuật. Tùy theo nhu cầu riêng, mỗi đô thị sẽ kết hợp các tiêu chuẩn với nhau để đáp ứng tầm nhìn đô thị thông minh.
Bộ TT&TT cũng cho biết, hiện có nhiều tổ chức quốc tế và khu vực tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn đô thị thông minh. Các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực chính bao gồm: ISO, CEN/CENELEC/ETSI (châu Âu), ITU, IEC, IEEE… Ngoài ra, một số nước khác hướng đến ban hành tiêu chuẩn quốc gia như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hầu hết các tiêu chuẩn ISO đã ban hành liên quan đến đô thị và cộng đồng phát triển bền vững, không liên quan trực tiếp tới khái niệm đô thị thông minh. Kể từ 2017, ISO phối hợp cùng IEC xây dựng và bắt đầu ban hành các tiêu chuẩn liên quan trực tiếp đến đô thị thông minh, cụ thể là các vấn đề về ICT. Các khuyến nghị của ITU-T tập trung vào hướng dẫn cho lãnh đạo đô thị, xây dựng đề án tổng thể về đô thị thông minh, các chỉ số đánh giá đô thị thông minh bền vững và đang trong quá trình thử nghiệm, hoàn thiện.
Đề cập đến hoạt động xây dựng tiêu chuẩn về đô thị thông minh ở Việt Nam, Bộ TT&TT cho hay, do các tiêu chuẩn về đô thị thông minh liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên hiện nay ở Việt Nam, Bộ KH&CN đang chủ trì chung việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về đô thị thông minh. Tháng 7/2017, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng-Bộ KH&CN đã thành lập Ban kỹ thuật TCVN/TC 268/SC 1 “Cơ sở hạ tầng cộng đồng thông minh” tương ứng với nhánh ISO/TC 268/SC 1.
Theo tìm hiểu của Bộ TT&TT, phương pháp tiếp cận hiện nay của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khi xây dựng TCVN là chấp nhận nguyên vẹn các tiêu chuẩn của ISO, IEC và một số tài liệu dạng “cận tiêu chuẩn” của Anh (gồm PAS, PD), không phải tiêu chuẩn quốc gia (BS). Theo kế hoạch, năm 2017 Bộ KH&CN dự kiến ban hành 15 TCVN và 12 TCVN sẽ được ban hành trong năm 2018.
Đối với Bộ TT&TT, trách nhiệm của Bộ với quản lý ngành là xây dựng và đề xuất các tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ICT đảm bảo kết nối, liên thông kỹ thuật giữa các hệ thống trong đô thị thông minh.
Bước đầu, với lĩnh vực Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quan trọng đảm bảo liên thông dữ liệu như QCVN 102:2016/BTTTT cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành; QCVN 109:2017/BTTTT về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cũng trong năm nay, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 12 quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia; Thông tư 32 quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Thông tư 39 ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước.
Dự kiến tới đây Bộ TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét các tiêu chuẩn về nền tảng (platform) kỹ thuật ICT cho đô thị thông minh trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp ICT nhằm đảm bảo kết nối liên thông các ứng dụng của các lĩnh vực khác nhau trong đô thị thông minh.
Ngoài ra, thời gian tới, các Bộ chuyên ngành cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất các tiêu chuẩn và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật liên quan do các ứng dụng của đô thị thông minh thuộc nhiều ngành khác nhau như giao thông thông minh, y tế thông minh, môi trường thông minh…