Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) và Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) đã phối hợp tổ chức “Ngày hội CNTT Nhật Bản 2008” (Japan ICT Day 2008).

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai cho biết Bộ hết sức ủng hộ và đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này đồng thời chia sẻ quan điểm cần phải tranh thủ chớp thời cơ và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chiến lược hợp tác Việt – Nhật trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là công nghiệp phần mềm.

Trong những năm gần đây, thị trường Nhật Bản đã và đang nổi lên trở thành một thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm. Sau thị trường Bắc Mỹ, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt từ 40 – 50%. Nhiều công ty phần mềm Việt Nam có phần lớn doanh thu từ thị trường Nhật Bản như: FPT 56%, Luvina 100%, NCS 100% … Các công ty phần mềm lớn và nổi tiếng của Nhật Bản như NEC, Hitachi Soft, Fujitsu… đã đầu tư và mở chi nhánh tại Việt Nam. Điển hình nhất là Hitachi Soft hiện có đến 25% tổng sản lượng phần mềm gia công toàn cầu của hãng đang được thực hiện tại Việt Nam. Chính vì vậy Ngày hội CNTT Nhật Bản trở thành cầu nối quan trọng cho doanh nghiệp 2 nước gặp gỡ, tăng cường sự giao lưu, trao đổi và mở rộng sự hợp tác.

Trong buổi hội thảo đầu tiên với chủ đề Cầu nối chính sách, đại diện các doanh nghiệp của cả 2 nước đã có cơ hội nêu ra những ý kiến của mình, bày tỏ những khó khăn mà họ gặp phải và mong muốn các tổ chức như VINASA, VJC hay JISA (Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản) và chính phủ 2 nước tạo điều kiện tháo gỡ, hỗ trợ cho họ phát triển tốt hơn.

Phát biểu tại hội thảo hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều trình bày khó khăn đầu tiên mà họ gặp phải khi tiến hành tìm kiếm các đối tác Nhật Bản là việc thiết lập quan hệ kinh doanh đầu tiên với các doanh nghiệp Nhật Bản. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng tựu trung lại vẫn là sự khác biệt về văn hóa kinh doanh giữa 2 quốc gia và sự hiểu biết về tiêu chuẩn, nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản còn quá ít.

Phía đại diện của các doanh nghiệp Nhật Bản nêu ra 2 vấn đề chính khiến họ khó và chưa muốn hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam là: Quy mô và chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam không đủ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản; Quan trọng hơn nữa là quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam còn quá nhỏ bé, thiếu liên kết với nhau nên khi phía đối tác Nhật Bản đưa ra yêu cầu, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều không thể đáp ứng nổi.

Trước các đề nghị và vấn đề doanh nghiệp hai nước đưa ra, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm VINASA đã cam kết xem xét và tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn này. Để khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay các cơ sở đào tạo của Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT đã và đang đưa vào chương trình giảng dạy tiếng Nhật cho sinh viên nhằm tạo ra một đội ngũ kỹ sư có chuyên môn, ngoại ngữ và hy vọng trong tương lai đây sẽ là một lực lượng lao động đáp ứng tốt cho các yêu cầu và xu thế phát triển hợp tác trong lĩnh vực CNTT Việt Nam – Nhật Bản. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp của Nhật Bản, VINASA cũng đang lập kế hoạch đề nghị Chính phủ mở cổng thông tin điện tử hợp tác Việt Nam - Nhật Bản.

Ông Trương Gia Bình cũng nhấn mạnh mong muốn sự hợp tác về CNTT giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực gia công, kiểm thử phần mềm (Outsourcing) mà sẽ tiến tới hợp tác ở tầm cao hơn như lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (Research and Develop), lĩnh vực sáng tạo (Inovation). Các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản không nên chỉ quan tâm làm thế nào để sản phẩm gia công hoàn thiện hơn, rẻ hơn mà phải chú trọng hợp tác với nhau để đưa ra những ý tưởng mới. “Đây mới là tương lai của sự hợp tác giữa CNTT Việt Nam và Nhật Bản”, ông Trương Gia Bình kết luận.