- Với quy định mới về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, giáo dục đại học sắp tới sẽ qua thời "ăn đong" theo kiểu "lấy mỡ nó rán nó". Có thể không tránh khỏi hệ lụy "xin - cho", nhưng xét ở đại cục, đây là một tín hiệu tốt.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT nhìn nhận như vậy về Thông tư 32, một chính sách đang gây xôn xao các trường đại học những ngày qua.
Ông Lê Trường Tùng |
Hạn chế "sinh viên hạng 2"
Phóng viên: Theo ông, đâu là thông điệp mà Bộ GD-ĐT đưa ra trong Thông tư 32?
Ông Lê Trường Tùng: Từ năm học 2014-2015, hàng năm Bộ GD-ĐT đều có thông tư hướng dẫn phương thức tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học cao đẳng, chuyển từ việc phân chỉ tiêu theo kế hoạch sang phê duyệt chỉ tiêu theo năng lực.
Thông tư 32 vừa ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu từ năm học 2016-2017 trở đi.
Theo tôi, qua Thông tư 32, Bộ GD-ĐT chuyển tải ba thông điệp sau.
Thứ nhất: Để phát triển bền vững, các trường cần có đủ giảng viên cơ hữu và có đủ cơ sở vật chất của riêng mình. Tham gia hoạt động giáo dục đại học là chấp nhận một cuộc chơi lớn. Đã qua cái thời kỳ phát triển giáo dục đại học theo mô hình “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó”, với vốn mươi mười lăm tỷ đồng hoạt động theo kiểu ăn đong, dạy bằng giảng viên thỉnh giảng và cơ sở vật chất thuê mướn.
Thông điệp thứ hai là sẽ tiếp tục đẩy mạnh lộ trình tự chủ - trong đó có tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, và khi đó hành lang pháp lý sẽ được quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn.
Việc mở rộng tự chủ sẽ hạn chế việc xin-cho, nhưng cũng đi đôi với việc quy định rõ cái gì không được làm, hành lang nào không được vượt qua.
Thứ ba là các trường đại học cần tập trung vào nhiệm vụ chính của mình theo quy định của các luật mới (Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp), không lấn sân sang đào tạo trung cấp, cao đẳng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, cũng hạn chế dần số lượng sinh viên “hạng 2” (chất lượng thấp) như chạy theo dạy “vừa làm vừa học” (tại chức) theo mô hình liên kết tại các địa phương.
Trong số hơn 200 trường đại học hiện nay, có một số trường phản ứng khá mạnh. Phản ứng từ các trường bị ảnh hưởng nói lên điều gì?
Cũng có một số chuyên gia có ý kiến cho rằng liệu quy định của Bộ GD-ĐT có hợp hiến hay không? Có theo thông lệ quốc tế hay không? Có ảnh hường đến công văn ăn việc làm của giảng viên hay không?...
Thí sinh chờ thi tại điểm thi Trường ĐH Thủy lợi năm 2015. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đại diện cho Bộ GD-ĐT cũng đã lên tiếng giải thích với công luận.
Tôi chỉ hơi ngạc nhiên vì sao dư luận e ngại về việc giảng viên mất việc, mà lại không ai e ngại là thí sinh thất học, vì giảng viên và sinh viên là hai mặt của cùng một vấn đề. Nếu quan tâm đến quyền được dạy của người dạy thì cũng cần quan tâm đến quyền được học của người học.
Phản ứng của các trường là dễ hiểu, vì các trường nghĩ rằng giảm quy mô đào tạo, giảm chỉ tiêu tuyển sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu và có thể ảnh hưởng gián tiếp đến tổ chức nhân sự hiện có.
Chi phí giáo dục đại học Việt Nam đang thấp nhất thế giới
Việc khống chế bằng số lượng có tạo ra thay đổi chất lượng, hay dễ tạo cơ hội cho cơ chế xin-cho?
Mở rộng số lượng trong bối cảnh nguồn lực hạn chế sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục đại học đã thấp hiện nay.
Tôi đã tính sơ bộ, thấy rằng chi phí cho giáo dục đại học Việt Nam trên đầu một sinh viên đang ở mức thấp nhất thế giới.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp - trong đó cần tìm nguồn để chi phí đầu tư đại học trên đầu một sinh viên tăng lên ít nhất đạt mức gấp 3 so với hiện nay - theo công thức học phí học đại học một năm tương đương nửa năm lương đi làm trung bình.
Phần lớn trường đại học công hiện nay đang thu học phí dưới mức chi phí đào tạo và được “bù giá” bằng ngân sách nhà nước.
Chẳng hạn, học phí thu từ sinh viên trong một trường công chỉ đủ 40% chi phí thực tế. Chi hàng năm từ ngân sách chẳng hạn đủ bù cho 10.000 sinh viên.
Nếu trường “tự chủ” đào tạo 20.000 sinh viên thì nguồn ngân sách vẫn thế, thay cho chia cho 10.000 sinh viên sẽ phải chia cho 20.000 sinh viên, dẫn đến chi phí đào tạo trên đầu sinh viên sẽ giảm đi, kéo theo chất lượng đi xuống.
Nhưng nếu nhìn từ góc độ tài chính của trường thì dạy 20.000 sinh viên thu học phí gấp đôi so với dạy 10.000 sinh viên, và trường sẽ triển khai đào tạo theo phương thức “lựa cơm gắp mắm” – có bao nhiêu chi bấy nhiêu, còn chất lượng đào tạo giảm sút thì người học và xã hội gánh chịu.
Việc xin-cho thì chẳng tránh được. Xã hội Việt Nam cần phải phát triển ở mức cao hơn, cơ chế quản lý cần trưởng thành, minh bạch cần ở mức cao hơn thì mới giảm được việc xin-cho.
Khi đã có hành lang, thì với truyền thống “giỏi xoay sở, khéo đi tắt” - sẽ có một số trường muốn vượt khỏi hành lang, dù mục tiêu đặt ra hành lang là để ai ở trong hành lang thì khỏi phải chịu cơ chế xin-cho.
Nói chung có hành lang là tốt hơn không có hành lang, cũng giống như xếp hàng văn minh thì hơn chen lấn xô đẩy, dù xếp hàng cũng mất thời giờ, và cũng có ai đó đang đi "cửa sau".
Trường ĐH có quy mô tối đa 15.000 sinh viên chính quy Thông tư 32 thay đổi cách xác định chỉ tiêu theo tiêu chí tỉ lệ sinh viên chính quy trên giảng viên quy đổi theo mỗi khối ngành. |
Tôi mà có quyền thì hành lang có khi còn thu hẹp hơn. Tôi sẽ không khống chế quy mô đào tạo tối đa cho các trường tự chủ tài chính, các trưởng này được tự chủ xác định mức học phí. Ngược lại, tôi sẽ không để các trường công hiện đang nhận ngân sách hàng năm dạy trái ngành - như ĐH Bách khoa thì dạy cử nhân Tài chính Ngân hàng, ĐH Nông nghiệp thì dạy Kỹ sư Công nghệ Thông tin".
Tôi cũng sẽ từng bước chấm dứt loại hình dạy tại chức (vừa làm vừa học) - một loại hình đào tạo đại học chạy theo bằng cấp, chất lượng thấp - với lý do chính để duy trì hệ này là bảo vệ nồi cơm cho giảng viên như hiện nay.
Thậm chí, trường công nào chưa tự chủ được, thì sẽ tạo điều kiện nâng mức chi cho mỗi sinh viên lên bằng việc giữ nguyên nguồn chi ngân sách nhưng giảm quy mô đào tạo mỗi năm 5%. Việc này cũng giúp tạo thêm đầu vào chất lượng tốt hơn cho các trường tự chủ.
Sẽ không gây sốc
Nhiều giảng viên sẽ mất việc, đây là dự báo sau khi thông tư ra đời. Thay đổi mà đụng chạm tới quyền lợi tới chủ thể quan trọng của giáo dục là người thầy, thì sẽ đi đến đâu?
Các đại học quốc gia (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM) và các đại học vùng hoặc mang tính chất vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ) đã có quy định riêng về quy mô đào tạo tối đa.
Trong hơn 200 trường đại học còn lại, chỉ có 8 trường có chỉ tiêu tuyền sinh đại học chính quy (số liệu 2015) từ 5.000 trở lên, tương đương với quy mô trên 15.000 sinh viên (theo mô hình đào tạo 4 năm, có tính đến sinh viên rơi rụng trong quá trình học).
Trong danh sách này, 3 trường tư (ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Duy Tân, ĐH Kinh doanh và Công nghệ) theo tôi không có vấn đề lớn, vì năm 2014 tuyển không đến con số này, và là trường tư nên dễ thích nghi.
Ba trường khác thuộc Bộ Công Thương (ĐH Công nghiệp HN, ĐH Công nghiệp TP HCM, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) thì cho tự chủ, tự xác định học phí cùng quy mô đào tạo – cũng không có vấn đề.
Chỉ còn có hai trường đại học công lập bị ảnh hưởng là Học viện Nông nghiệp (ĐH Nông nghiệp trước đây) và ĐH Bách khoa Hà Nội.
Với hai trường này – một trường định hướng nông nghiệp, một trường định hướng kỹ thuật - chỉ cần bỏ đi các ngành trái nghề đang đào tạo là sẽ có số sinh viên trong quy mô dự kiến.
Giảng viên ở đây nếu có dư ra thì tăng thêm cho mở rộng quy mô đào tạo trên đại học, cho các hoạt động nghiên cứu, cho các xưởng sàn xuất - công ty trong trường.
Việc này trong tầm tay của hai trường này, sẽ không có biến động như nhiều người lo ngại.
Hơn nữa, Thông tư 32 có lộ trình “một phần tư” để các trường điều chỉnh trong 4 năm: mỗi năm cho phép tuyển một phần tư khả năng tối đa, số sinh viên đang có sẽ tốt nghiệp dần và trường sẽ trở về quy mô chuẩn sau 4 năm.
Đây là sáng kiến rất quan trọng của Bộ GDĐT, không yêu cầu dừng ngay, sẽ thay đổi dần để không gây sốc.
Từ nay tới tháng 2 Thông tư sẽ có hiệu lực. Theo ông thì có cần thay đổi hay điều chỉnh gì hay không?
Các trường đại học đang lên kế hoạch tuyển sinh 2016 và sẽ đăng ký với Bộ GD-ĐT trước Tết Âm lịch.
Nếu có thể được, Bộ GD-ĐT nên có một số điều chỉnh nhỏ, chẳng hạn chưa áp dụng trần quy mô đào tạo cho một số trường tự chủ tài chính, đồng thời mở rộng quy tắc “một phần tư” (chỉ tiêu tuyển sinh 2016 bằng một phần tư khả năng đào tạo tối đa khi trường không đủ giảng viên) mang tính bao trùm hơn, áp dụng cho cả cơ sở vật chất và hạn chế quy mô tối đa như sau:
Sau khi xác định quy mô tối đa của trường theo các tiêu chí giảng viên, cơ sở vật chất, quy mô trần, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh 2016 sao cho hoặc tổng số sinh viên học tại trường không vượt quá quy mô tối đa của trường, hoặc số sinh viên tuyển mới không vượt quá một phần tư quy mô tối đa đó.
Và thay “một phần tư” bằng “một phần ba” để tính đến việc sinh viên bỏ học trong quá trình, và các trường nếu được tuyển nhiều hơn một chút thì cũng phấn khởi hơn.
Xin cảm ơn ông!
Hạ Anh - Văn Chung (Thực hiện)
XEM THÊM: