Việc rút ngắn lễ khai giảng kéo dài cả buổi hàng năm rút xuống còn 60 phút thực hiện vào năm nay có gặp khó gì không, thưa ông?
- Ông Nguyễn Hiệp Thống: Đây là điểm mới nhưng không lạ.
Nhiều năm nay, phụ huynh và các thầy cô giáo phàn nàn tổ chức khai giảng năm học mới cồng kềnh, rườm rà quá nhiều nghi lễ, nghi thức khiến cho khâu chuẩn bị của nhà trường, thầy cô giáo, cha mẹ các em học sinh rất mệt mỏi.
Trên cơ sở gợi ý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong hội nghị tổng kết giáo dục toàn quốc và sau đó là ý kiến của giám đốc 63 tỉnh thành, ngành giáo dục đã thống nhất tổ chức khai giảng vào 1 ngày. Và chọn ngày 5/9 có ý nghĩa toàn dân đưa trẻ đến trường.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống |
- Tại sao việc khai giảng hình thức kéo dài đến nay mới điều chỉnh?
Tôi phải chia sẻ nhiều người nhận xét khai giảng hiện nay rất nặng nề. Nhưng quả thật để trở thành một định hướng chung thì phải có người đủ sức lan tỏa đưa ra ý tưởng thực hiện. Tôi khẳng định rằng, giáo giới, cha mẹ học sinh và những người chúng tôi được tiếp xúc - khi đón nhận thông tin này đã rất hồ hởi đón nhận và đều thấy rằng đây là việc nên làm.
Khi làm việc với các hiệu trưởng, hầu hết mọi người rất tâm đắc. Thậm chí có trường đã ký hợp đồng với trường dân lập vì không có sân tổ chức khai giảng - bây giờ xin hủy hợp đồng để tổ chức đúng ngày 5/9 - dù có tổn thất về vật chất.
- Từ thực tế vận dụng tinh gọn tổ chức khai giảng, một số trường bỏ tiết mục đón học sinh đầu cấp. Nhiều giáo viên đề xuất nên giữ lại. Ông nghĩ sao về lập luận này?
Trong hướng dẫn của sở, trước khi bắt đầu vào buổi lễ thì có chuẩn bị và đón học sinh đầu cấp. Điều này không bỏ. Đó là việc chúng tôi quan tâm gây ấn tượng cho các em, nhất là học sinh bắt đầu vào tiểu học. Tương tự như vậy với các em lớp 6, lớp 10. Tiết mục này sẽ diễn ra trước 7h30 - trước giờ chào cờ.
Việc quan trọng tương tự như đón học sinh đầu cấp là chào cờ và hát quốc ca. Nhiều năm qua ở nhiều trường vì lý do này, lý do khác việc hát quốc ca chỉ làm hình thức. Chúng tôi đang hướng tới việc chào cờ hát quốc ca không những to - rõ - khỏe mà tiếng hát đó phải thực sự là lòng tự hào đối với các em học sinh. .
Sau phần lễ, phần tổ chức cho các em vui chơi tùy điều kiện các trường. Có nơi tổ chức cho các em chơi kéo co, có thể thi nhảy với học sinh phổ thông, thi hát - có thể là hát đối ứng, cũng có thể biểu diễn văn nghệ cho các bạn xem.
- Sở có định hướng phần hội ở các trường để đảm bảo khung giờ 60 phút, vừa đảm bảo được vui chơi đúng tuổi...
Việc tổ chức các trò chơi do các trường tự sáng tạo. Hiện nhiều trường đăng ký với sở, sau 1 tiếng với tiểu học các em có thể ở lại tham gia các trò chơi. Tuy nhiên, ở phổ thông và GDTX chúng tôi yêu cầu sau khai giảng có một tiết học về giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh.
- Với những trường ở vùng sâu, vùng xa hoặc vì lý do thời tiết - thì sở có tính đến phương án cho tổ chức sớm lên hoặc cho lùi lại?
Chúng tôi đã tính đến và có bàn bạc với các trường. Có trường tính đến tổ chức khai giảng trong nhà giáo dục thể chất có thể giảm bớt lượng học sinh. Có trường chuẩn bị bạt đề phòng mưa. Về thời tiết ngày 5/9 chúng tôi có theo dõi không có mưa, nên việc khai giảng thống nhất tổ chức 1 ngày toàn quốc, không có ngoại lệ.
Chúng tôi cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng để chống ùn tắc giao thông vì các cháu cùng đến trường khai giảng 1 giờ ở tất cả các trường. 5/9 là ngày nghỉ nên lượng người lưu thông ngày toàn dân đưa trẻ đến trường giảm nên sẽ không có ùn tắc giờ cao điểm.
Sở cũng đã họp với các trường tha thiết đề nghị các trường tổ chức khai giảng thực sự vì học sinh.
Cũng có trường đề nghị giãn thời gian để đón khách này, khách kia, nhưng chúng tôi xác định ngày đó phải tổ chức vì học sinh.
Cho nên, năm nay chắc chắn sẽ không còn tình trạng học sinh phải đứng dưới nắng để chờ khách mời đến như mọi năm.
- Cảm ơn ông!
- Kiều Oanh (thực hiện)