Thông tin trên được ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, đưa ra tại Hội thảo “Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng”, được tổ chức tại TP.HCM vừa qua.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, lừa đảo trực tuyến đã bùng phát mạnh, có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính. Những kẻ lừa đảo sử dụng các công cụ kỹ thuật hoặc phi kỹ thuật “social engineering” để xâm phạm thông tin cá nhân của người dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng thường nhắm đến mục đích lừa lấy tiền của người dùng.
Theo ông, lừa đảo trực tuyến là vấn nạn toàn cầu, người dân các nước phát triển lẫn các nền kinh tế đang phát triển đều có thể trở thành nạn nhân. Thống kê của GASA cho thấy, lừa đảo trực tuyến trên toàn cầu được báo cáo từ 48 nước tăng 10,2% lên 293 triệu vụ vào năm 2021, với số tiền thiệt hại tăng 15,7% lên 55,3 tỷ USD, phần lớn là do sự gia tăng các vụ lừa đảo đầu tư.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là loại tội phạm được trình báo nhiều nhất tại Mỹ và thứ hai tại Anh. Tuy nhiên, chỉ 2,5% số vụ lừa đảo báo cáo ở Anh được đưa ra truy tố, toàn cầu còn thấp hơn nhiều, chỉ 0,05% số vụ việc. Tại Úc, lừa đảo trực tuyến gây tổn thất tới 3 tỷ đô la Úc (AUD), tổn thất ngày càng lớn qua từng năm, trung bình 19,6 nghìn AUD/vụ. Về kênh liên lạc chủ yếu để lừa đảo, thống kê tại nước này cho thấy, đứng đầu là SMS (33%), tiếp theo là điện thoại (29%), email (22%), Internet (6%), mạng xã hội (6%). Nhóm tuổi có nguy cơ bị lừa đảo cao nhất là trên 65 (chiếm trên 25% số báo cáo và thiệt hại) và nhóm 55 - 64 tuổi.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng thanh toán qua smartphone cao thứ 2 thế giới (33,2% - theo Statista 2022). Năm 2022, thanh toán qua Mobile tăng 321% về số lượng và 287% về giá trị; Thanh toán QR Code tăng 225% về số lượng và 244% về giá trị so năm 2021. Điều này cũng kéo theo nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến xuất hiện. Cụ thể, theo Tổ chức chống lừa đảo toàn cầu GASA, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao với 87.000 vụ lừa đảo được ghi nhận trong năm 2021. Các nạn nhân bị thiệt hại 374 triệu USD, tương đương khoản thiệt hại 4.200 USD mỗi vụ lừa đảo và 3,8 USD nếu tính trên đầu người.
Để giải quyết “tệ nạn” lừa đảo trực tuyến, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đây không chỉ là câu chuyện của mỗi ngành ngân hàng, mà cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan một cách toàn diện. Trong đó, Bộ TT&TT cần đẩy mạnh xử lý SIM điện thoại “không chính chủ”, tin nhắn, cuộc gọi “rác”; Tăng cường quản lý, xử lý các nền tảng số liên quan đến hoạt động lừa đảo, rà quét, cảnh báo, ngăn chặn các ứng dụng, website lừa đảo; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an trong phòng chống lừa đảo trực tuyến như cơ chế đối khớp thông tin chủ tài khoản với thông tin chủ thuê bao di động đăng ký dịch vụ Mobile Banking.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia trong hoạt động ngân hàng, tăng cường thu thập, phân tích, chia sẻ thông tin rủi ro, gian lận lừa đảo, tăng cường định danh chính chủ; Đấu tranh phòng ngừa, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trong đó có lừa đảo, gian lận thanh toán…
Ông Lê Anh Dũng cho biết, một trong những biện sắp được triển khai, đó là Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với Bộ TT&TT về phương án làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.