Trong kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT tại phiên họp toàn thể của Ủy ban diễn ra ngày 16/12/2016, Phó Thủ tướng chỉ rõ một nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong giai đoạn tới là khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách về bảo đảm an toàn thông tin, chú trọng việc thu hút, ưu đãi trong sử dụng và phát triển nhân lực an toàn thông tin; ưu tiên nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thiết bị an toàn thông tin đặc thù, chuyên biệt của Việt Nam; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức toàn xã hội về bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trong thời đại bùng nổ ứng dụng Internet và thiết bị thông minh.
Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách sử dụng, thu hút nhân lực an toàn thông tin mạng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ TT&TT phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) xây dựng chỉ số đánh giá an toàn thông tin đối với từng bộ, ngành và địa phương; tổ chức đánh giá, công bố kết quả hàng năm.
Liên quan đến việc đánh giá mức độ an toàn thông tin, từ năm 2013, VNISA bắt đầu định kỳ đánh giá chỉ số An toàn thông tin của không gian mạng Việt Nam, theo mô hình xây dựng chỉ số an toàn thông tin của Hàn Quốc. Chỉ số an toàn thông tin Việt Nam được tổ hợp từ nhiều yếu tố, được tiến hành khảo sát điều tra với số liệu khoảng từ 600 - 700 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được hỏi.
Kể từ sau khi Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) được thành lập năm 2014, công tác điều tra, khảo sát thực trạng an toàn thông tin Việt Nam phục vụ cho việc đánh giá, công bố Chỉ số an toàn thông tin Việt Nam (Vietnam Information Security Index) hằng năm đã được Cục và VNISA phối hợp thực hiện.
Cụ thể, với Chỉ số an toàn thông tin Việt Nam năm 2016 mới được công bố vào đầu tháng 12/2016, chỉ số này là kết quả được tổng hợp từ đợt khảo sát do Cục An toàn thông tin và VNISA thực hiện từ tháng 9 đến tháng 11/2016 thực hiện với 692 tổ chức và doanh nghiệp ở 3 địa bàn trọng điểm Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM về 5 lĩnh vực phát triển, bảo đảm an toàn thông ti, gồm: Đào tạo, nhận thức; Tổ chức, nhân lực; Chính sách, kinh phí; Các biện pháp quản lý; và các biện pháp kỹ thuật.
Trong tổng số 692 tổ chức và doanh nghiệp tham gia khảo sát thông tin, có 13% tổ chức hành chính trực thuộc Trung ương; 18% tổ chức hành chính sự nghiệp trực thuộc địa phương; 1% các tổ chức phi chính phủ; 33% doanh nghiệp tư nhân hoạt động ngoài lĩnh vực CNTT; 11% doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT; 7% doanh nghiệp nhà nước hoạt động ngoài lĩnh vực CNTT; 2% doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực CNTT; 9% doanh nghiệp nước ngoài liên doanh, có vốn nước ngoài; và 6% thuộc các đối tượng khác. Tham gia cuộc khảo sát này, các tổ chức, doanh nghiệp đã trở lời 36 câu hỏi phức hợp/ 32 tiêu chí. Trong đó, 30 tiêu chí chính đã được lượng hóa vào Chỉ số ATTT Việt Nam năm nay.
Đại diện VNISA cho biết, mục đích của việc khảo sát, tính toán để đưa ra Chỉ số an toàn thông tin Việt Nam là để có sự đánh giá thực trạng an toàn thông tin theo hằng năm, qua đó đánh giá được sự tiến bộ của chúng ta theo các chỉ số ở mức độ nào. Trên thực tế, sau 4 năm thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ an toàn thông tin chung của không gian mạng Việt Nam theo mô hình đánh giá Chỉ số an toàn thông tin của Hàn Quốc, năm 2016, lần đầu tiên Chỉ số an toàn thông tin Việt Nam đã vượt được mức trung bình, đạt 59,9%. Trong 3 năm trước đó, Chỉ số an toàn thông tin Việt Nam lần lượt đạt 37,3% trong năm 2013; 39% vào năm 2014 và đạt 47,4% vào năm 2015.
Trao đổi với báo chí bên lề lễ khai mạc vòng chung kết cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2016 vào ngày 17/12, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng cho rằng, sự gia tăng của Chỉ số an toàn thông tin Việt Nam năm 2016 so với các năm trước và lần đầu tiên vượt qua ngưỡng trung bình cho thấy nhận thức của xã hội, của các tổ chức, doanh nghiệp về vấn đề đảm bảo an toàn thông tin đã có chuyển biến tích cực, nhất là sau các vụ tấn công nhằm vào một số hệ thống thông tin quan trọng tại Việt Nam. “Tuy nhiên, ở đây cũng phải thấy rằng bộ Chỉ số mà Cục An toàn thông tin và VNISA phối hợp khảo sát, đánh giá đã được xây dựng từ cách đây 3 - 5 năm. Trong khi chúng ta tính toán theo bộ chỉ số này thì mức độ nguy cơ, mức độ phức tạp của các cuộc tấn công đã tăng lên. Chính vì vậy, tuy là chỉ số của chúng ta có tăng, nỗ lực của chúng ta tăng lên nhưng nguy cơ và các mối đe dọa cũng tăng lên”, ông Dũng nhận xét.
Đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin cũng cho biết, trong năm 2017, Cục sẽ cùng với VNISA điều chỉnh lại bộ chỉ số sao cho nó phản ánh chính xác hơn hơn những nguy cơ, những rủi ro và những biện pháp tương ứng để đảm bảo an toàn thông tin trong tình hình mới hiện nay.