Phản ánh về tình trạng chậm đóng BHXH thời gian qua, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2023 các cấp TP.HCM ban hành 239 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 13 tỷ đồng từ các đơn vị, tuy nhiên chỉ có hơn 2,2 tỷ đồng được nộp.
Thậm chí khi TP thực hiện cưỡng chế hơn 4,4 tỷ đồng tiền nợ BHXH nhưng doanh nghiệp chỉ nộp phạt 50 triệu đồng (đạt khoảng 1%).
Nguyên nhân, theo ông Đức là nhiều đơn vị cung cấp các số tài khoản xử phạt nhưng tài khoản không có tiền, thậm chí ngay cả khi có tiền trong tài khoản khi bị cưỡng chế, đơn vị vi phạm vẫn không hợp tác.
"Chúng tôi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thu hồi tiền chậm đóng BHXH nhưng các đơn vị vẫn không thực hiện” ông Đức nói.
Từ thực tế trên, Phó chủ tịch TP.HCM đề nghị, quản lý nhà nước cần bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính với người quản lý, điều hành, đại diện theo pháp luật của đơn vị vi phạm để kiến nghị khởi tố.
Còn với quy định hiện nay có đơn vị nợ hàng chục tỷ đồng tiền BHXH nhưng vẫn chưa truy tố được.
Về vấn đề này, trả lời báo chí chiều tối 17/1, Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các bộ ngành để sửa đổi, đưa ra chế tài đảm bảo nghiêm khắc hơn.
Đối với trường hợp chậm đóng BHXH - hiện nay chỉ xử phạt hành chính, nhưng tới đây sẽ có chế tài nặng hơn như cấm xuất cảnh, phạt tăng nặng như ngành thuế.
Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH.
Cụ thể, quy định người sử dụng lao động nợ BHXH phải nộp số tiền bằng 0,03% mỗi ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên.
Đồng thời, quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Chuyên gia lao động Phạm Minh Huân cho biết, ngoài việc đưa vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi các quy định xử lý tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH thì cần thiết phải đề cao việc chủ động phát hiện sớm dấu hiệu sai phạm về trốn đóng BBXH để có giải pháp xử lý.
Tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH (theo Điều 216 Bộ luật Hình sự), kịp thời thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét khởi tố.
"Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước phải nắm được tình hình để không còn tình trạng lợi dụng nợ BHXH, khi doanh nghiệp trốn đóng rồi mới tìm cách xử lý", ông Huân nói.