1a.png

Sẽ có 3-4 tập đoàn, tổng công ty viễn thông

Theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phải đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo môi trường canh tranh bình đẳng lành mạnh. Vì vậy, đối với mỗi thị trường dịch vụ viễn thông quan quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế phải có ít nhất 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh. Việc tạo ra thị trường cạnh tranh đối với dịch vụ di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế sẽ thông qua các chính sách cấp phép, kết nối, kiểm soát bình ổn thị trường và quy hoạch tài nguyên phù hợp. Bên cạnh đó, thông qua những biện pháp này để đảm bảo tránh được sự tham gia quá nhiều, đặc biệt là của các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực viễn thông dẫn đến cạnh tranh quá mức và hiệu quả kinh doanh trên thị trường thấp.

Bản quy hoạch cũng đưa ra mục tiêu phải phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển viễn thông thông qua chính sách cấp phép kinh doanh viễn thông và từng bước cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Mặt khác, để phát triển thị trường viễn thông theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đảm bảo an ninh kinh tế trong hoạt động viễn thông, Nhà nước tiếp tục nắm cổ phần chi phối trong một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ngoài ra, sẽ tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là những doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả, theo hướng cho phép chuyển giao, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp viễn thông nhằm hình thành 3-4 tập đoàn, tổng công ty mạnh; hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở sử dụng hiệu quả hạ tầng cơ sở, nguồn lực và tài nguyên viễn thông một cách hợp lý để chống xu hướng độc quyền hóa trong hoạt động viễn thông.

Nhà nước sẽ khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông có đủ năng lực, điều kiện để mở rộng kinh doanh và đầu tư ra thị trường nước ngoài trên cơ sở tuân thủ luật pháp và đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

1a.png
Theo quy hoạch, sẽ xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, vùng phủ sóng rộng đến vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo....

Khuyến khích phát triển băng rộng

Theo quy hoạch, sẽ xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, an toàn có dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ sóng rộng đến vùng sâu vùng xã, biên giới hải đảo... góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng chỉ rõ phải cung cấp các dịch vụ viễn thông có chất lượng tốt, giá cước hợp lý trên cơ sở cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng dịch vụ.

Phát triển bền vững thị trường viễn thông, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh thông qua việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông theo những quy định của pháp luật về cạnh tranh. phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển viễn thông. Quy hoạch này cũng chỉ rõ phải ưu tiên áp dụng các công nghệ viễn thông hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông.

Theo bản quy hoạch, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh việc phát triển mạng phát triển băng rộng đến hộ gia đình trên cơ sở ưu tiên phát triển mạng truy nhập hữu tuyến (cáp đồng và cáp quang), mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống thông tin di động 3G nhằm cung cấp khả năng truy cập băng rộng vô tuyến cho cá nhân mọi lúc, mọi nơi.

Các doanh nghiệp viễn thông cũng phải nâng cao năng lực truyền dẫn đường dài trong nước và quốc tế, trên cơ sở đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các tuyến truyền dẫn cáp quang mặt đất, cáp quang biển quốc tế và nội địa với dung lượng lớn và phóng thêm các vệ tinh viễn thông phục vụ thị trường trong nước và khu vực.

 

Theo quy hoạch này, cơ quan quản lý sẽ áp dụng cơ chế kinh tế thị trường như đấu giá, thi tuyển, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số, kho số, tên miền, địa chỉ Internet nhằm lựa chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực kinh tế, tài chính, kỹ thuật, lao động tham gia thị trường và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên viễn thông. Bên cạnh đó, phải đảm bảo việc quy hoạch, phân bố chuyển nhượng tài nguyên viễn thông một cách công khai, công bằng và minh bạch đáp ứng yêu cầu hình thành thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh. Bộ TT&TT sẽ kiểm soát chặt chẽ việc tích lũy tài nguyên viễn thông, đặc biệt là tần số vô tuyến điện thông qua việc mua bán, sáp nhập chuyển giao các doanh nghiệp viễn thông để tránh việc phá vỡ quy hoạch viễn thông và giảm mức độ cạnh tranh trên thị trường. Việc quy hoạch và phân bổ tài nguyên viễn thông, đặc biệt là phổ tần số vô tuyến điện theo hướng ưu tiên thúc đẩy phát triển mạng truy nhập vô tuyến băng rộng, mạng thông tin di động thế hệ tiếp theo, mạng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình số.

*Mục tiêu đến năm 2015:

Tỷ lệ đường dây thuê bao cố định 15-20 đường/100 dân; Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động 140 máy/dân; Tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định từ 6-8 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động 20-25 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định 40-45%; Tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet 15-20%; Tỷ lệ người sử dụng Internet 35-40% dân số; Phủ sóng thông tin di động đến trên 90% dân số trên cả nước;

Trên 90% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng; Tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt khoảng 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Tổng doanh thu viễn thông đạt từ 10-12 tỷ USD, chiếm khoảng 7-8% GDP.

*Mục tiêu đến năm 2020:

Tỷ lệ đường dây thuê bao cố định 20-25 đường/100 dân; Tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định từ 15-20 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động 35-40 thuê bao/100 dân;

Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định 40-45%; Tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet 35-40%; Tỷ lệ người sử dụng Internet 55-60% dân số; Phủ sóng thông tin di động đến trên 95% dân số trên cả nước; 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộn được kết nối Internet băng rộng; Tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt khoảng 1,2-1,5 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Tổng doanh thu viễn thông đạt từ 15-17 tỷ USD, chiếm khoảng 6-7% GDP.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 92 ra ngày 1/8/2012.