Trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước quý I/2019 của Bộ TT&TT, đánh giá về lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của của khối an toàn thông tin Bộ TT&TT trong thời gian qua, có tiến triển giúp đưa chỉ số xếp hạng về an toàn thông tin mạng của Việt Nam gia tăng đáng kể. Bộ trưởng cũng yêu cầu trong thời gian tới, các đơn vị phải cung cấp số liệu chính xác cho các tổ chức quốc tế để phản ánh một cách chuẩn xác tình hình phát triển của lĩnh vực an toàn thông tin.
Đáng chú ý, đề cập đến việc khai thác, vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và Hệ thống giám sát an toàn mạng quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các doanh nghiệp trong ngành hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ Cục An toàn thông tin đưa các công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin một cách hiệu quả; đồng thời trở thành địa chỉ tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm cho các nước ASEAN.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, hiện nay Bộ TT&TT đang hỗ trợ các nước bạn Lào và Campuchia xây dựng Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quy mô quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các doanh nghiệp trong ngành hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ Cục An toàn thông tin đưa các công nghệ mới nhất, hiện đại nhất vào Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhằm thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin một cách hiệu quả. |
Năm 2018, Bộ TT&TT đã kiện toàn tổ chức, xây dựng và vận hành hệ thống kỹ thuật tập trung quy mô quốc gia - Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, để thực hiện chức năng theo dõi, giám sát an toàn thông tin, cảnh báo sớm và xử lý các cuộc tấn công mạng nhằm vào Việt Nam; kịp thời điều phối ứng cứu nhiều sự cố tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị cho các cơ quan, tổ chức về các nguy cơ gây mất an toàn thông tin như: các điểm yếu, lỗ hổng nghiêm trọng; các cuộc tấn công mạng có chủ đích; lây nhiễm phần mềm độc hại trên diện rộng; lừa đảo trực tuyến; lộ, lọt thông tin cá nhân; nguy cơ mất an toàn thông tin trên các thiết bị IoT…
Được biết, trong năm ngoái, Cục An toàn thông tin và Trung tâm VNCERT thuộc Bộ TT&TT đã hỗ trợ giám sát và cảnh báo sớm các nguy cơ, tấn công mạng cho 24 Bộ, ngành và 52 địa phương với tổng số 10.717 hệ thống thông tin, 5.699 tên miền của cơ quan, tổ chức nhà nước. Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng thường xuyên, liên tục giám sát tình hình an toàn thông tin trên không gian mạng và hạ tầng Internet công cộng.
Một nhiệm vụ trọng tâm của khối an toàn thông tin Bộ TT&TT trong năm nay là phát triển Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm này triển khai giám sát an toàn trên toàn bộ không gian mạng Việt Nam.
Liên quan đến việc triển khai hỗ trợ các nước bạn Lào, Campuchia xây dựng Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) quy mô quốc gia, trong chia sẻ tại cuộc gặp mặt đầu năm 2019 của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA diễn ra trung tuần tháng 3/2019 vừa qua, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Chúng tôi dự kiến sẽ lựa chọn các sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia thành mô hình tổng thể SOC cung cấp cho phía các nước bạn. Việc này sẽ có ý nghĩa lớn, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được niềm tin ngay từ đầu. Bởi lẽ, khi sản phẩm đã được cơ quan Chính phủ sử dụng thì các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty của nước bạn cũng sẽ có xu hướng sử dụng theo”.
Cũng tại buổi gặp mặt này, đại diện Cục An toàn thông tin khẳng định, để phát triển lĩnh vực an toàn thông tin mạng, hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng, các doanh nghiệp, Hiệp hội và cơ quan nhà nước cần có sự gắn kết, chung tay trong việc nâng cao nhận thức và xây dựng niềm tin, đặc biệt là phải làm sao để xây dựng được một lực lượng dân sự mạnh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng.
Chia sẻ quan điểm về sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo điều kiện phát triển những doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam mạnh, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết: quan điểm của Cục An toàn thông tin là không hỗ trợ các yếu tố đầu vào, mà chỉ hỗ trợ các yếu tố đầu ra, tức là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường.
“Sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện thông qua việc tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất đưa ra những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ tốt, phù hợp có thể phát triển thị trường”, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay.