Một đề án có tổng kinh phí 12.000 tỷ đồng, trong đó có mục tiêu đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) sẽ được trình lên Chính phủ.
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”, gửi tới các bộ, ngành và các trường để xin ý kiến.
Theo dự thảo, mục tiêu chung của đề án này là đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn 2030, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước.
Về các mục tiêu cụ thể, đề án sẽ đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Bao gồm:
Đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ 2017 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.
Đào tạo khoảng 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Từ năm 2017 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người.
Đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường đại học đã được kiểm định ở Việt Nam;
Thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2016-2017, tổng số cơ sở giáo dục đại học ở nước ta là 235, số lượng giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học là 72.792 người (công lập: 57.634 người; ngoài công lập: 15.158 người), tăng 3.201 người so với năm học 2015-2016. Trong đó số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%); trình độ thạc sĩ là 43.127 người (chiếm 59,2%); trình độ đại học và cao đẳng là 12.519 người (chiếm 17,2%); chuyên khoa I, II là 523 người; trình độ khác là 109 người. |
Bên cạnh đó, đề án cũng đặt mục tiêu bồi dưỡng cán bộ quản lý, đảm bảo 100% cán bộ quản lý là chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng/viện trưởng, hiệu phó/phó viện trưởng được bồi dưỡng về quản trị trường đại học.
Ngoài ra, 100% giảng viên được bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, về năng lực phát triển chương trình đào tạo, năng lực giảng dạy theo phương pháp hiện đại, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Cũng theo dự thảo, tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng, bao gồm 10.200 tỉ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và 1.800 tỉ từ các cơ sở giáo dục đại học và đối tượng thụ hưởng đề án.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Sri Lanka , tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên của các trường đại học nước này năm 2015 là hơn 55%. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại Thái Lan năm 2005 là hơn 24% . Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các trường đại học nghiên cứu của Malaysia năm 2010 là 73% . Tại đa số trường đại học trên thế giới, có bằng tiến sĩ là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên. |
Dự thảo đề án cũng đưa ra 5 giải pháp để thực hiện bao gồm: Đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học; Thu hút tiến sĩ đến công tác đến làm việc tại các sơ sở giáo dục đại học; Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý; Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; Đổi mới cơ chế, chính sách.
Thời gian thực hiện đề án từ năm 2018 đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Lê Văn