Chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về Bảo hiểm qua trục NGSP
CSDL quốc gia về Bảo hiểm là CSDL lưu trữ thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thông tin về y tế, an sinh xã hội được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ về bảo hiểm của công dân.
Là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, CSDL quốc gia về Bảo hiểm nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực hiện Nghị định 43 ngày 31/3/2021 của Chính phủ, cơ quan này đang phối hợp với Cục Tin học hóa của Bộ TT&TT để sớm xây dựng và ban hành quy chuẩn quốc gia về cấu trúc dữ liệu trao đổi với CSDL quốc gia về Bảo hiểm.
Trong thời gian chờ ban hành quy chuẩn, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố có nhu cầu khai thác dữ liệu, xác thực thông tin người tham gia và người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Vì thế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp kịp thời để các địa phương sử dụng vào công tác lập danh sách xét nghiệm, danh sách tiêm chủng vắc xin; xác định thông tin bệnh nền; theo dõi, truy vết nhanh bệnh nhân F0; khoanh vùng, dập dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị sử dụng lao động…
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế và Sở TT&TT đề xuất việc chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về Bảo hiểm qua trục NGSP (nền tảng kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương – PV) của Bộ TT&TT để phục vụ nhu cầu cấp bách của việc phòng chống dịch bệnh Covid-19; báo cáo UBND tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh, thành phố và thông tin sớm về Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Sẽ bổ sung các tiện ích phòng chống dịch trên ứng dụng VssID
Cũng trong công văn gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, cơ quan này sẽ bổ sung, nâng cấp các tiện ích phòng chống dịch trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số; hoàn thành việc liên thông dữ liệu trên ứng dụng VssID và Sổ Sức khỏe điện tử giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế.
Dữ liệu trên ứng dụng VssID và ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế sẽ được liên thông. |
Trong quá trình chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội, việc triển khai ứng dụng bảo hiểm xã hội số VssID được đánh giá là một bước đi quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, hướng tới sự hài lòng cho các tổ chức, cá nhân.
Được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức công bố ngày 16/11/2020 trên nền tảng thiết bị di động Android và iOS, thời gian qua, ứng dụng VssID đã cung cấp nhiều tiện ích, thông tin thiết yếu như: theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Ứng dụng này giúp người dùng dễ dàng tra cứu các thông tin về mã số bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và các điểm thu, đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình...
Ngoài ra, ứng dụng VssID còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dùng giám sát việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động. Đây cũng là một kênh truyền thông trực tiếp về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Đảng và Nhà nước.
Trong kế hoạch chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định sẽ tiếp tục ưu tiên nghiên cứu và triển khai tích hợp các dịch vụ công, tiện ích thanh toán trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID để đảm bảo người dân có thể thực hiện các giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội tại mọi nơi mọi lúc.
Vân Anh
Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam vận hành liên tục 24/24 giờ hàng ngày
Quy chế hoạt động của Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử ngành Bảo hiểm xã hội nêu rõ nguyên tắc, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải bảo đảm tính toàn vẹn, an toàn, đảm bảo tính pháp lý và vận hành liên tục 24/24 giờ hàng ngày.