Hôm nay (6/12), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chính thức đóng cửa cùng lúc 6 phòng giao dịch theo thông báo đã phát ra trước đó.
Theo đó, SCB thông báo chấm dứt hoạt động của 6 phòng giao dịch (PGD) tại TP.HCM, gồm: PGD Nguyễn Thông – Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM); PGD Bảy Hiền – Chi nhánh Thống Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM); PGD Luỹ Bán Bích – Chi nhánh Thống Nhất (quận Tân Phú, TP.HCM); PGD Hiệp Thành – Chi nhánh Hóc Môn (quận 12, TP.HCM); PGD An Hội – Chi nhánh Hóc Môn (quận Gò Vấp, TP.HCM) và PGD Thị Nghè – Chi nhánh Tân Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Ngân hàng khẳng định mọi quyền lợi của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch của SCB.
Tròn 1 tháng trước, ít ngày sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB, ngân hàng này cũng thông báo chấm dứt hoạt động của 4 PGD từ ngày 11/11 gồm: PGD Long Thành – Chi nhánh Đồng Nai; PGD Phan Đăng Lưu – Chi nhánh Đà Nẵng; PGD Đăk Đoa – Chi nhánh Gia Lai và PGD Bến Lức – Chi nhánh Long An.
Trong tháng 10/2023, SCB cũng đã đóng cửa, chấm dứt hoạt động 16 PGD trên cả nước, trong đó có 3 PGD tại Hà Nội.
Như vậy, từ đầu quý 4 đến nay, SCB đã thông báo chấm dứt hoạt động 26 PGD trên cả nước.
Theo thống kê của VietNamNet, kể từ đầu năm 2023 đến nay SCB đã chấm dứt hoạt động tổng cộng 39 PGD trên cả nước.
SCB vốn là ngân hàng có mạng lưới rộng sau khi hợp nhất từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) vào năm 2012.
Ở thời điểm đỉnh cao, SCB có hoạt động tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước với 239 điểm giao dịch.
Tuy nhiên, việc nhóm cổ đông Vạn Thịnh Phát, đứng đầu là bà Trương Mỹ Lan nắm cổ phần thao túng ngân hàng này trong nhiều năm đã dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng cho cho vay, khiến SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ năm 2022.