Mạng xã hội những ngày qua lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh ô tô “độ” đèn chiếu sáng nhiều màu sắc như “sân khấu di động” lưu thông trên đường.
Thông tin ban đầu, đoạn clip trên được ghi lại trên tuyến Quốc Lộ 22, xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) thuộc địa bàn Đội CSGT An Sương đảm trách.
Làm việc với CSGT, chủ phương tiện cho biết đã tự đặt mua và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng lên phía trước ô tô để trang trí, không sử dụng để lưu thông trên đường.
Vào chiều 15/5, chủ phương tiện cho một người khác sử dụng xe. Quá trình lưu thông người này đã “vô tình” bật hệ thống đèn xem thử và bị người đi đường quay lại.
Căn cứ vào quá trình xác minh, người đàn ông điều khiển ô tô có đèn chiếu sáng như “sân khấu di động” đã bị phạt hành chính với lỗi “điều khiển xe ô tô lắp thêm đèn phía trước”. Tài xế này sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng, đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Việc độ đèn xe khá phổ biến hiện nay. Ghi nhận tại các trung tâm đăng kiểm cho thấy, lỗi về điện (trong đó có độ đèn) là một lỗi phổ biến nhất khiến xe không đạt đăng kiểm lần đầu.
Câu hỏi được đặt ra là: Xe độ đèn như trên có qua được đăng kiểm không? Việc thay thế, lắp thêm đèn xe như thế nào thì đúng quy định?
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Quốc Hoan, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 29-03V (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trường hợp độ đèn như trên chắc chắn khi đi đăng kiểm sẽ không đạt.
“Hiện nay có tình trạng (hay gặp với những xe được dùng đi phượt), khi đi đăng kiểm chủ phương tiện thường tháo những phụ kiện trang bị thêm, không đúng quy chuẩn, hoặc thuê phụ kiện hợp quy để qua đăng kiểm, sau đó lại lắp lại phụ kiện cũ”, ông Hoan thông tin.
Theo Thông tư số 43/2023 của Bộ GTVT (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 85/2014), chủ ô tô được thay cụm đèn chiếu sáng phía trước, lắp thêm đèn sương mù mà không cần làm thủ tục giấy tờ. Tuy nhiên, một số chủ xe khi độ đèn không nắm rõ các quy định, không được đăng kiểm chấp nhận và buộc phải sửa chữa.
Ông Hoan lưu ý, dù được phép lắp thêm đèn sương mù hay thay cụm đèn chiếu sáng nhưng phải kèm theo tem hoặc giấy chứng nhận hợp quy để chứng minh chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.
Đối với đèn chiếu sáng phía trước, đơn vị đăng kiểm chỉ chấp thuận cụm đèn thay thế đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo QCVN 35:2017/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt.
''Tem hợp quy được dán trên đèn và có giấy tờ kèm theo. Khi mua đèn, cơ sở cung cấp có trách nhiệm cấp cho người mua chứng từ này.
Chủ xe khi thay đèn cần giữ giấy tờ này để cung cấp cho trung tâm đăng kiểm. Nếu không có sẽ được coi là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc và không được đăng kiểm chấp thuận kết quả kiểm định đèn'', ông Hoan giải thích thêm.
Trường hợp đơn giản hơn là thay thế bóng đèn, Thông tư 43 cho phép thay thế bóng đèn kiểu loại khác với thiết kế của xe nhưng công suất phải tương đương và không cần thay đổi kết cấu cụm đèn vẫn thay được bóng.
Ngoài ra, Thông tư 43 cũng cho phép chủ phương tiện được lắp thêm đèn sương mù mà không cần làm thủ tục gì, song yêu cầu là chỉ được lắp dạng rời, số lượng chỉ 2 chiếc, vị trí mỗi đèn ở bên dưới đèn chiếu sáng phía trước.
“Đèn sương mù phải được lắp đặt để đảm bảo chùm ánh sáng không hắt lên phía trên, mà phải nằm bên dưới đường nằm ngang (có thể xác định ước chừng hoặc máy kiểm tra đèn) mới được đơn vị đăng kiểm chấp thuận, xác nhận sự phù hợp của đèn”, ông Hoan nói.