“Con ở nhà hết ôm máy tính, ôm điện thoại rồi lại đến tivi. Chẳng làm được gì hết”
“Sao con không làm việc nhà giúp mẹ hoặc nấu cơm?”
“Đồ ăn thì mẹ con nấu sẵn rồi. Lau nhà thì có robot hút bụi rồi nên cứ bật là được ạ. Quần áo thì có máy giặt rồi nên chỉ cần phơi thôi. Dịch này chẳng đi đâu được, chỉ loanh quanh bốn bức tường. Hết ôm máy học thì lại ôm điện thoại chat với bạn hoặc xem tivi thôi ạ”.
Những câu chuyện này có lẽ không còn xa lạ gì với các gia đình hai năm qua, khi đại dịch Covid-19 ập đến. Cân bằng cuộc sống, đặt mục tiêu cuộc sống hay lập kế hoạch cho cuộc đời mình đến người lớn cũng khó thực hiện chứ chưa nói trẻ con, nhất là tuổi học đường.
Bọn trẻ thời nay sinh ra, vốn chưa kịp cảm nhận nóng, lạnh đã được mẹ nhắc bật điều hoà hay bật quạt, rồi mặc áo. Có khi chưa đói đã được mẹ nhắc ăn cho thật no và đủ. Có khi chưa kịp cảm nhận cơ thể hay cảm xúc của mình, mẹ đã bảo làm điều này điều kia. Bọn trẻ, ngay từ khi sinh ra đã bị tước mất cách nghĩ, tước mất những kỹ năng sinh tồn thiết yếu của chính mình. Rồi một ngày đại dịch xảy đến, bố mẹ yêu cầu con tự lập và tự cân bằng cuộc sống là điều không dễ dàng. Chúng thậm chí đến quét nhà cũng không biết, nấu cơm thì cũng có người giúp việc, rồi làm gì để dùng hết 24 giờ một ngày đây?
Cảm xúc của bọn trẻ là sự chán chường, là mệt mỏi vì suốt ngày bị mẹ nhắc, là sự mất cân bằng trong cảm xúc của chính mình. Giãn cách xã hội, không được gặp bạn bè, đã là một cái khó, giờ trong tay chúng có bao nhiêu công cụ để chúng biết mình sẽ tự lập cuộc sống thế nào khi giãn cách tại nhà và cân bằng các mối quan hệ ngay trong chính gia đình mình, với chính bố mẹ và anh chị em của mình.
Khoảng thời gian để ‘lắng nghe’ và ‘suy ngẫm’
Ảnh minh họa |
“Dạ bởi vì ở nhà con không có ai nói chuyện, vì chán quá nên chỉ biết chat với bạn thôi.”
“Con không thể nói chuyện được với mẹ ư?”
“Làm sao mà nói được hả cô? Con thấy khó nói chuyện với mẹ lắm, chỉ mẹ hỏi gì hay nhắc gì nói ấy thôi. Tự nhiên mà kể chuyện cho mẹ nghe giống như với cô thì chẳng tự nhiên gì cả.”
“Việc không thể giao tiếp tâm tình được với bố mẹ, hoặc đôi khi phải nói dối này kia thì mệt lắm con ạ.”
“Con cũng biết thế. Nhưng bao năm qua vẫn thế mà cô. Việc nói dối vì những nội dung chat với bạn bè hay dùng máy tính, điện thoại là điều con không muốn, nhưng nếu không bố mẹ sẽ muốn đọc tin nhắn riêng tư bọn con chat với nhau”.
Chúng ta, người lớn nhiều khi có khi nào tự hỏi tại sao bọn trẻ thích ôm điện thoại hơn ngồi tâm sự với bố mẹ? Tại sao bọn trẻ lại nói dối chỉ vì cái điện thoại hay một ván game? Bởi chúng biết, có nói gì chúng cũng sẽ ít nhận được sự ủng hộ của bố mẹ, chưa kể quyền riêng tư bị xâm phạm và còn bị trách mắng nữa.
Đi cùng con tưởng dễ mà rất khó. Để hiểu chúng, chấp nhận chúng là chúng, hiểu những nhu cầu sở thích của chúng và đồng hành bên chúng là một hành trình gian nan. Điểm cốt lõi ở chỗ, chúng ta làm cha mẹ một cách khá bản năng, vô tình quên mất bản thân đứa trẻ cũng là một cá nhân trong xã hội mà chúng ta cần xây dựng mối quan hệ với chúng.
Kết nối được tâm trí, cảm xúc của mỗi cá nhân, tôn trọng sự khác biệt của chính họ là điều đầu tiên cần thiết lập. Mỗi đứa trẻ là một cá nhân độc lập, thì chúng ta cũng cần xem lại liệu mình đã tôn trọng mỗi suy nghĩ của chúng chưa, cách thức giao tiếp với chúng như thế nào? Hay chúng ta chưa nghe chúng nói hết câu đã định hướng và khuyên con làm điều này điều kia? Đến cả câu hỏi chúng ta đặt cũng mang tính chất định hướng và yêu cầu con chọn lựa như một món ăn có sẵn vậy. Chọn một món ăn có sẵn trên một thực đơn khác xa với việc tự lên ý tưởng thiết kế thực đơn, đi chợ và tính toán lượng, chất mà. Việc ra quyết định cho bất cứ điều gì cũng cần một quy trình bắt đầu từ cách nghĩ y như vậy.
Chưa kể, việc giao tiếp một chiều từ phía bố mẹ mang tính chất yêu cầu, nhắc nhở, đề nghị, khuyên, hướng dẫn chứ chưa phải đứa trẻ tự tìm đến bố mẹ để tâm giao những diễn biến nghĩ suy, cảm xúc trong lòng chúng như một người bạn. Thì đến một ngày, chúng sẽ khép lòng mình lại mà không thể xoá nhoà lối mòn giao tiếp một chiều bố mẹ đã thiết lập suốt hơn chục năm qua với quãng đời tuổi thơ của chúng.
Khủng hoảng tâm lý khi bọn trẻ mất cân bằng môi trường sống, các mối quan hệ, cảm xúc đều có thể dẫn đến những hậu quả khó lường như nghiện game, chat sex với bạn, tâm sinh lý bất ổn định và hành vi ứng xử sai lệch.
Thời kỳ giãn cách xã hội, thực sự là khoảng thời gian quý giá để gia đình nhìn nhận lại vấn đề cốt lõi trong một mối quan hệ và tìm được cách đồng hành bên nhau một cách hiệu quả:
Lắng nghe, thấu hiểu, cảm nhận, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ cho nhau.
Hiểu về vai trò nhiệm vụ của những người sống chung nhà.
Chung tay xây dựng mối quan hệ xã hội, ứng xử, giao tiếp.
Lập thời gian biểu hàng ngày, cùng nhau thiết lập mục tiêu ưu tiên và hỗ trợ nhau thực hiện.
Chia sẻ cảm xúc và các cách cùng nhau cân bằng trong cuộc sống.
Tôn trọng cách nghĩ, bản sắc cá nhân, nét tính cách riêng của nhau và làm bạn cùng nhau.
Vân Anh
Năm kỹ năng cần thiết với trẻ mầm non trong đại dịch
Đại dịch Covid-19 với những diễn biến chưa từng có trong tiền lệ, có thể là một dịp thích hợp để nêu gương cho trẻ em rằng các kĩ năng sống, ngoài kiến thức, là điều cần thiết phải có cho một cuộc sống trọn vẹn trong tương lai.