Ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình xuất hiện nhiều điểm sạt lở dọc bờ sông Gianh gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.
Sạt lở nghiêm trọng tại xóm Kinh Trừng, thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa |
Sạt lở nặng nhất là đoạn bờ sông dài hơn 100m tại xóm Kinh Trừng, thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa (dài 20m tính từ sông vào, độ cao gần 15m).
Sạt lở sát chân tường nhà ông Mai Tân, sân nhà hộ ông Mai Lượng, làm sập mái hiên nhà ông Mai Trung...
Nhiều căn nhà chênh vênh, nguy cơ đổ sập xuống lòng sông bất cứ lúc nào.
Mái hiên nhà ông Mai Trung bị sập do sạt lở |
“Sáng 6/9 chúng tôi đã thấy một vệt nứt kéo dài theo bờ sông, nhận định sẽ sạt lở nên gia đình đã di dời một số tài sản đến nơi khác.
Đến khoảng 20h cùng ngày, nghe thấy tiếng ầm ầm rồi cả đoạn bờ sông đổ ụp xuống, chúng tôi vội chạy ra xem thì thấy móng nhà trơ ra, mái hiên đã bị cuốn mất”, ông Mai Trung, một hộ dân sống tại đây kể lại.
8 hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp gồm: Mai Tân, Mai Trung, Mai Lượng, Mai Minh, Mai Thuyết, Mai Trọng, Mai Thị Hóa và Phạm Quang Trung.
Sạt lở vào đến chân cầu thang nhà ông Mai Tân |
Ngay trong đêm 6/9, nhiều hộ dân có nhà nằm gần điểm sạt lở đã di chuyển người và tài sản quan trọng sang các nhà khác trong thôn.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Trưởng thôn Đức Phú 1 cho biết, khu vực này có 86 hộ dân với 336 nhân khẩu sinh sống.
Trước đây, người dân sống ở bên kia sông. Do địa hình thấp lụt nên địa phương có chủ trương di dời bà con đến nơi ở mới an toàn hơn. Người dân chọn ở gần sông Gianh vì quen nghề sông nước.
Nhiều ngôi nhà có thể đổ ập xuống sông bất cứ lúc nào |
Bờ sông cứ mỗi năm lở thêm một ít, người dân Kinh Trừng lo lắng sẽ không còn đất để ở.
Ông Mai Tân, một hộ sống tại đây cho hay, ông xây nhà cách bờ sông chừng 30m, bây giờ bờ sông đã vào tận móng nhà. Lở mạnh nhất là từ khi xây kè ở phía đầu làng, phía dưới chưa xây nên nước sông tập trung xói vào đoạn này.
"Vay mượn khắp nơi mới xây được căn nhà kiên cố, tưởng đâu được sống an toàn, không phải lo lắng gì nữa thì giờ sạt lở vào tận móng. Nhìn ngôi nhà sắp đổ ập xuống sông mà chúng tôi không biết phải làm sao", ông Mai Tân nói
Ông này cho biết thêm: “Hồi trước giải phóng mặt bằng toàn tuyến, họ đưa máy móc, phương tiện đến phá hết cây cối dọc bờ sông để làm kè nhưng nay lại dừng lại nên nước xói càng mạnh hơn”.
Theo tìm hiểu, năm 2011 dự án xây kè chống sạt lở được đầu tư tại xã Đức Hóa, chỉ mới thi công được khoảng 200m (theo thiết kế là 600m). Hiện đoạn kè này đã có dấu hiệu xuống cấp. Dự án do UBND huyện Tuyên Hóa làm chủ đầu tư.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa nói: “Điều kiện kinh tế ở xóm Kinh Trừng còn khó khăn, bây giờ di dời đi chỗ khác cũng không có tiền mua đất, làm nhà.
Hơn nữa, đặc trưng nghề nghiệp quen với sông nước nên giải pháp tốt nhất là xây kè chống xói lở để bà con yên tâm sinh sống. Đó cũng là nguyện vọng của bà con ở đây, nhưng nguồn vốn quá lớn nên xã cũng chỉ biết đề nghị lên các cấp xem xét”.
Cả người dân và chính quyền địa phương đang hết sức lo lắng khi mùa mưa lũ đang tiếp tục phức tạp, nguy cơ sạt lở còn có thể tiếp diễn.
Hải Sâm
Đê biển 300 tỷ ở Hà Tĩnh 'hở hàm ếch' sau mưa lũ
Gần 200m đê chắn sóng ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã bị sóng biển và nước lũ đánh vỡ, gây sạt lở và tạo ra những hàm ếch rất nguy hiểm.