Ngày cưới, tôi cùng anh bước vào lễ đường, sau màn trao quà tặng, mẹ chồng bỗng thì thầm vào tai tôi: “Cưới xong, cô mang hết vàng này đưa lại cho tôi. Cô đừng hòng kiếm chác được gì ở gia đình này”.
Tôi vừa quyết định giải thoát cho mình khỏi người chồng nhu nhược và bà mẹ chồng quá quắt trước khi về sống chung. Kể ra có vẻ nực cười nhưng sự thực là tôi đã hủy hôn ngay trong đám cưới của mình.
Chúng tôi có 10 năm làm bạn bè trước khi quyết định tìm hiểu và tiến đến hôn nhân. Hai đứa học cùng trường cấp 3, tình yêu sâu đậm được bắt đầu từ tình bạn trong trẻo và vô tư của thưở học trò. Nhà anh và tôi cùng phố, vì vậy phụ huynh hai nhà đều biết nhau.
Ngày còn đi học, anh hay qua nhà đón tôi bằng chiếc xe đạp mini xanh, trưa lại đón về. Ngày ngày, trên chiếc xe đạp đó, chúng tôi chia sẻ với nhau về những điều vụn vặt trong cuộc sống. Có những buổi chiều, cả hai trốn học thêm, rong ruổi về vùng ngoại ô ngắm cảnh, vẽ tranh - sở trường đặc biệt của anh.
Chẳng biết từ lúc nào, tôi trở thành nàng thơ của anh. Tất cả các bức tranh anh vẽ đều phảng phất bóng hình tôi trong đó. Mùa hè, mùa của loài hoa oải hương. Đi học về, bao giờ tôi cũng bắt anh chở qua cửa hàng bán hoa, ngắm những bó hoa màu tím đó một cách say mê.
Anh hứa sẽ vẽ tặng tôi bức họa cánh đồng oải hương và hẹn một ngày nào đó sẽ đưa tôi sang Pháp ngắm cho thỏa thích. Nhưng tháng ngày đẹp đẽ đó của chúng tôi vội tan biến khi bố tôi gặp chuyện.
Ông làm ăn sa cơ thất thế, kinh tế xuống dốc không phanh, lúc này mẹ anh bắt đầu cấm cản hai đứa chơi với nhau. Một lần, thấy anh đón tôi đi học bà từ xa nhìn thấy liền chạy sang, mắng bố mẹ tôi không biết dạy con, để con gái đi dụ dỗ, lợi dụng con bà.
Từ hôm đó, cho dù anh nói thế nào tôi cũng không ngồi lên chiếc xe đạp đó nữa. Tôi cương quyết tránh mặt anh. Dẫu chưa hiểu đời nhưng tôi không muốn vì mình mà bố mẹ bị người khác coi thường,
Hễ gặp nhau ngoài đường tôi chỉ nhìn anh từ xa rồi đi thẳng như hai kẻ xa lạ. Cho đến ngày vào đại học, trường tôi và trường anh đưa sinh viên tình nguyện cùng đợt. Thời gian này, hai đứa bắt đầu trò chuyện lại với nhau, nối lại tình bạn ngày trước.
Tất nhiên, tôi vẫn giữ một khoảng cách nhất định, tránh để mẹ anh biết chuyện. Gần như chúng tôi chỉ thỉnh thoàng nói chuyện qua điện thoại.
Ra trường, anh bắt đầu đi làm cũng là lúc anh bày tỏ tình cảm của mình với tôi. Anh thổ lộ yêu tôi từ ngày còn học phổ thông nhưng không dám nói ra.
Bản thân tôi cũng có những cảm xúc đầu đời với anh. Bởi vậy, khi nghe anh tỏ tình, trái tim tôi vỡ òa vì sung sướng và hạnh phúc. Thế nhưng, nghĩ tới cảnh mẹ anh rỉa rói, miệt thị bố mẹ tôi bằng những lời lẽ khó nghe và đôi mắt giận dữ ngày ấy của bà, tôi đã chùn bước.
Tôi từ chối anh một cách phũ phàng. Lần thứ 2 trong cuộc đời, tôi lựa chọn xa anh. Buồn bã, anh lên đường ra nước ngoài du học. Trước khi đi,anh nhờ bạn gửi cho tôi bức tranh cánh đồng bạt ngàn hoa oải hương màu tím cùng lời nhắn “đợi anh”.
Cứ như vậy, 6 năm tiếp theo tôi từ chối sự quan tâm, chăm sóc của những người đàn ông khác chỉ để chờ đợi một người. Mặc dù, thời gian này tôi và anh không liên lạc với nhau.
Rồi anh trở về, tìm gặp tôi… Ngày trùng phùng, hai đứa không kìm được lòng, nước mắt tuôn rơi. Bao cảm xúc, nhớ nhung sau tháng ngày dài xa cách ùa về. Chính lúc này, anh cầu hôn tôi, anh nói sẽ thuyết phục để mẹ đồng ý chuyện hai đứa.
Ngày ra mắt, mẹ anh ngỡ ngàng khi thấy tôi xuất hiện. Cả bữa cơm bà gần như im lặng. Sự im lặng khiến tôi thấy ngộp thở và mệt mỏi. Một lần nữa tôi định buông nhưng bàn tay anh nắm chặt, giữ tôi lại. Anh nói sẽ giữ chặt tôi bên mình, không để mất tôi.
Cảm động trước tấm chân tình đó, tôi lại vững tin, bước tiếp con đường cùng người đàn ông mình đã dành trọn thanh xuân để yêu và chờ đợi.
Mọi công tác chuẩn bị đám cưới diễn ra theo sự sắp đặt của mẹ anh. Từ lễ ăn hỏi, gặp mặt hai bên đến chuyện sắm giường cưới, đi tuần trăng mật …
Chuyện cưới xin là chuyện người lớn nhưng tôi nghĩ việc mua sắm cá nhân, du lịch, hay mặc váy gì, chụp ảnh ở đâu là việc riêng, tự do cá nhân của tôi và anh.
Đằng này, mẹ chồng can thiệp vào tất cả. Mặc dù tôi sẽ nói sẽ tự lo chi phí nhưng bà không đồng ý. Tất cả bà đều lựa chọn dịch vụ rẻ tiền. Bực nhất là chiếc váy cô dâu, bà đi mua hàng thanh lý đã ngả màu vàng ố với giá chỉ 300 nghìn đồng.
Tôi ý kiến với anh thì anh cười, động viên tôi chiều mẹ. Trước khi cưới, tôi hay sang nhà anh dùng cơm, cho gần gũi mọi người trong gia đình. Trái với sự niềm nở của bố và các chị, mẹ anh luôn giữ thái độ dửng dưng, hằn học với tôi.
Chỉ cần tôi làm gì trái ý bà sẵn sàng lớn tiếng chỉ trích, chê bai tôi không ra gì. Bà bảo nhà tôi dột từ nóc dột xuống, bố mẹ không ra gì, con cái cũng chẳng phải hạng tử tế.
Nghe bà nói, tôi thấy đắng ngắt trong lòng. Anh chỉ nhìn tôi rồi im lặng, không có phản ứng gì. Tôi bỏ về, đôi mắt đỏ hoe. Anh chạy theo, ôm tôi vào lòng rồi khẽ nói “Đừng khóc, anh đau”.
Tôi chua chát hỏi: “Anh đau nhưng em còn đau gấp vạn lần”. Anh quỳ xuống, xin tôi bình tâm, đừng rời bỏ anh. Trong lúc yếu lòng, tôi lại quên đi mọi chuyện.
Ngày cưới, tôi cùng anh bước vào lễ đường, sau màn trao quà tặng, mẹ chồng bỗng thì thầm vào tai tôi: “Cưới xong, cô mang hết vàng này đưa lại cho tôi. Cô đừng hòng kiếm chác được gì ở gia đình này”.
Lời nói của mẹ chồng như giọt nước tràn ly, bao nỗi uất nghẹn trong lòng dâng trào. Tôi mỉm cười, tuyên bố hủy hôn rồi tháo hết số vàng mẹ chồng vừa trao, để lại trên bàn bước ra khỏi hội trường.
Có thể tôi sẽ chông chênh mất một thời gian nhưng như vậy sẽ tốt hơn. Tôi thà kết thúc còn hơn đánh cược số phận của mình trong cuộc hôn nhân vốn đã nhiều sóng gió như vậy.
Cô dâu ăn tát vì trêu đùa chú rể trong đám cưới
Bị trêu đùa khi đưa bánh cho nhau ăn, chú rể thẳng tay tát cô dâu trước sự ngỡ ngàng của người chứng kiến.
Vân Anh