Theo Bloomberg, chỉ tính riêng trong ngày lễ mua sắm Độc thân cuối tuần trước - mang về doanh thu hơn 38 tỷ USD cho các hãng thương mại điện tử , các hãng vận chuyển và bưu điện Trung Quốc đã xử lý tới 331 triệu gói hàng.

Ngày 11/11 hàng năm là ngày lễ mua sắm lớn nhất tại Trung Quốc, mang lại nguồn thu lớn cho các hãng thương mại điện tử như Alibaba và JD.com, nhưng núi rác để lại chỉ sau một ngày này lại khiến các nhà môi trường học bức xúc.

"Lượng tiêu thụ kỷ lục cũng đồng nghĩa với lượng rác thải kỷ lục", Nie Li từ tổ chức Greenpease nói đồng thời ước tính lượng đơn hàng năm nay sẽ thải ra hơn 160.000 tấn rác thải, bao gồm nhựa, bìa cứng và băng dính.

Theo cơ quan truyền thông quốc gia Trung Quốc, tổng doanh thu bán hàng của ngày Độc Thân 2017 là 254 tỷ Nhân dân tệ (38,25 tỷ USD) với 1,38 tỷ đơn hàng, trong đó khoảng 1/4 là thiết bị điện tử gia đình và điện thoại di động.

Cục Bưu điện Nhà nước Trung Quốc (SPB) cho biết các bưu điện và công ty vận chuyển đã phải xử lý ít nhất 331 triệu gói hàng, tăng 31,5% so với năm ngoái.

Greenpeace gọi ngày đại giảm giá này là một "thảm hoạ với môi trường" bởi không chỉ tạo ra lượng rác thải khổng lồ mà còn làm tăng lượng khí thải carbon từ quá trình sản xuất, đóng gói và vận chuyển.

Một báo cáo tuần trước ước tính tổng các đơn hàng phát sinh trong ngày này năm ngoái đã sản sinh 52.400 tấn khí carbon dioxide.

Các hãng thương mại điện tử cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề này như thay thế hộp carton bằng hộp nhựa tái sử dụng, thử nghiệm túi tự huỷ sinh học hay hộp không dán băng dính. Tuy nhiên, theo Nie, như thế vẫn là chưa đủ.

"Các hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ vẫn chưa có nhiều động thái nhằm giảm rác thải đóng gói vận chuyển", Nie nói. "Sau cùng thì việc chúng ta vứt bỏ gói đựng hàng sau một lần dùng không phải giải pháp bền vững".

Vấn đề rác thải đóng gói của Trung Quốc không chỉ phát sinh từ ngày mua sắm Singles’ day.

Số liệu chính thức cho thấy các hãng vận chuyển Trung Quốc đã giao tổng cộng 20 tỷ đơn hàng trong năm 2015, sử dụng 8,27 tỷ túi nilon, 9,92 tỷ hộp carton và lượng băng dính đủ để quấn quanh trái đất hơn 400 vòng.

Lượng đơn hàng giao tại nước này ngày càng tăng, ước tính chạm mức 50 tỷ trong năm tới, tăng từ 30 tỷ đơn năm 2016, theo SPB.

Những con số khổng lồ này cũng chỉ là một phần nhỏ trong vấn đề rác thải tại Trung Quốc khi mà phần lớn đất và nước bị ô nhiễm bởi rác thải gia đình và công nghiệp.

Với lượng chất thải rắn lên tới 2 tỷ tấn mỗi năm, các thành phố lớn của nước này hiện được bao quanh bởi các hố chôn rác được gọi là "vành đai thứ 7".

Trung Quốc cũng phải chi nhiều tiền cho công trình xử lý lượng rác khổng lồ "khó tiêu" từ hàng điện tử, pin, đồ gia dụng.

Để phần nào giải quyết tình trạng trên, SPB đã ban hành văn bản hướng dẫn hồi năm ngoái, thúc giục các hãng giao hàng loại bỏ những sản phẩm đóng gói không đạt chuẩn vào cuối năm 2020, đồng thời thiết lập hệ thống tái sử dụng hợp lý.

Nêu vấn đề này trong cuộc họp Quốc hội năm nay, các đại biểu đến từ tỉnh Hà Nam của Trung Quốc đề xuất phạt các công ty giao hàng vi phạm quy định, đồng thời có chính sách ưu đãi để khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế (thường đắt đỏ hơn).

"Điều này sẽ không được hưởng ứng bởi các công ty vận chuyển hay khách hàng nên cần có sự hỗ trợ từ chính phủ trong vấn đề chính sách, ngân sách và thuế", họ nói.

Theo Nie của Greenpeace, sau tất cả thì cần phải có sự thay đổi trong tư duy của người dùng. "Nếu muốn ‘xanh hoá’ thói quen mua sắm của mình, chúng ta cần tiêu thụ ít đi, tái sử dụng nhiều hơn và quay về sửa chữa những thứ hỏng hóc".

Theo GenK