Theo quan sát, sau khi Luật Thống kê đi vào cuộc sống, chất lượng thông tin thống kê từng bước được nâng lên phục vụ kịp thời yêu cầu của các cơ quan Đảng, Chính phủ và các địa phương; cơ bản hoàn thiện các văn bản pháp lý thực thi dưới Luật; nhiều đề án nhằm nâng cao chất lượng số liệu thống kê đã được thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất số liệu thống kê; công tác đổi mới tổ chức thống kê được triển khai có hiệu quả…
Sau khi Luật Thống kê đi vào cuộc sống: Hoạt động thống kê ngày càng được củng cố |
Về cơ bản, tới nay, ngành thống kê đã hoàn thành việc xây dựng các văn bản dưới Luật, cụ thể: Ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành một loạt các Nghị định như Nghị định số 94/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê; Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê; Nghị định số 97/2016/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia...
Ngày 20/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2018/NĐ-CP quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành nhiều Quyết định: Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 về Chương trình điều tra thống kê quốc gia; Quyết định số 11/2018/QĐ-TTg ngày 1/3/2018 về Bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích của hộ gia đình Việt Nam; Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam…
Những văn bản pháp lý dưới Luật được ban hành kịp thời là căn cứ pháp lý quan trọng để ngành thống kê triển khai công tác thống kê toàn diện, đồng bộ, hệ thống, bài bản, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành đất nước.
Ngoài ra, việc ban hành kịp thời các văn bản pháp lý này đã cung cấp những quy định, nguyên tắc, yêu cầu, chế tài cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức, cách ứng xử của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc chấp hành Luật Thống kê.
Kết quả rõ nét về hoạt động thống kê ngày càng được củng cố còn thể hiện ở chỗ, hoạt động thống kê ngày càng được củng cố ở cả hệ thống thống kê tập trung và thống kê Bộ, ngành; nhận thức về tầm quan trọng của thông tin thống kê trong công tác quản lý, điều hành ở Trung ương và địa phương ngày càng được nâng cao; việc chấp hành cung cấp thông tin cho các cuộc điều tra, tổng điều tra do ngành thống kê tiến hành từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cũng được cải thiện, với minh chứng rõ nét đó là việc thành công trong thu thập thông tin của các cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng điều tra kinh tế thường niên...
Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành cũng đạt kết quả khả quan.
Tuấn Anh, Đoàn Bổng