- Sau vụ việc tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) thâu tóm Diamond Plaza, một quỹ đầu tư đến từ Hồng Kông cũng vừa mua lại một số dự án của Indochina Land. Có vẻ như, các cao ốc ở Hà Nội đang lần lượt "bán mình" cho các đại gia đến từ nước ngoài để thu về một món hời.
Đại gia ngoại lấn dần "miếng bánh" ngon
Lĩnh vực bất động sản Việt Nam đang được xem là “miếng bánh” ngon cho các tập đoàn BĐS hàng đầu quốc tế trong chiến lược M&A thời gian gần đây. Trong khi các nhà đầu tư nội muốn mua đứt bán đoạn một dự án thì khối ngoại lại tỏ ra thận trọng hơn khi lựa chọn các dự án đang triển khai và có hiệu quả.
Mở màn cho hoạt động M&A trong năm 2015 là thương vụ Lotte thâu tóm Diamond Plaza. Không tiết lộ số tiền phải bỏ ra để mua lại từ Posco, nhưng chủ tịch tập đoàn Lotte khẳng định 70% vốn của tòa nhà Diamond Plaza đã được tập đoàn này mua lại. Thương vụ thâu tóm này là một bước đi nữa của Lotte trong việc thâm nhập sâu vào lĩnh vực BĐS.
Indochina Land cũng vừa công bố việc chuyển nhượng thành công một số dự án cho một quỹ đầu tư thuộc Gaw Capital Partners, một đơn vị quản lý quỹ trong khu vực có trụ sở tại Hong Kong. Các dự án chuyển nhượng là Indochina Plaza Hanoi, Hyatt Regency Danang và 2 dự án đang phát triển khác tại Quảng Nam và TP.HCM.
Tòa nhà Keangnam đang được rao bán ở Hàn Quốc |
Trước đó, hai công ty đến từ Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad cũng “bắt tay” với Công ty Nam Long mua lại toàn bộ dự án Flora Anh Đào, thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ của Công ty Nguyên Phúc - chủ đầu tư của dự án Flora Anh Đào, với tổng chi phí phát triển dự án khoảng 500 tỷ đồng.
Dự án Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội - mặc dù chưa công bố chính thức - nhưng phía Hàn Quốc đã có thông tin của tòa án Seoul cho phép Keangnam bán lại để trả nợ. Cơ quan chức năng tại Hàn Quốc định giá tòa nhà này ở mức khoảng 770 triệu USD. Nếu tòa nhà này được chuyển nhượng thì đây sẽ là một phi vụ mua bán dự án đình đám nhất của năm 2015.
Tiếp tục nóng
Ông Peter Ryder, Tổng giám đốc điều hành của Indochina Capital nhận định, trong nghiệp vụ quản lý quỹ bất động sản, chiến lược thoái vốn cũng quan trọng không kém gì chiến lược đầu tư. Quỹ này đang tìm kiếm và tiếp tục theo đuổi các dự án mới, đặc biệt cao câp trong tương lai dài hạn. Việc chuyển nhượng các dự án này sẽ không ảnh hưởng tới các hợp đồng và điều khoản đã ký với chủ sở hữu căn hộ và biệt thự tại hai dự án Indochina Plaza Hanoi và Hyatt Regency Danang.
BĐS Việt Nam thu hút nhà đầu tư ngoại |
Theo khảo sát của một công ty tư vấn mua bán BĐS, khối nhà đầu tư ngoại ưu thích các dự án đã và đang hoạt động và có sinh lời. Thông qua hình thức thay đổi chủ sở hữu, họ không phải lo ngại về chuyển đổi dự án và các thủ tục pháp lý.
Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, ông Marc Townsend, thì đánh giá, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam. Họ chỉ bước từng bước và có tầm nhìn cũng như kế hoạch dài hơn. Nhưng với những chính sách mới hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài của chính phủ Việt Nam, về lâu dài sóng FDI vào Việt Nam sẽ có xu hướng mạnh dần.
Trong khi mức độ cạnh tranh ở các phân khúc tầm trung và tầm thấp khá khốc liệt thì phân khúc cao cấp lại mở ra cơ hội đặc biệt dành riêng cho những chủ đầu tư có khả năng riêng trong việc kiến tạo những sản phẩm bất động sản khác biệt, chất lượng cao với giá trị gia tăng theo thời gian.
Dù vậy, năm 2015 sẽ là một năm mà các nhà đầu tư ngoại vẫn trong tình trạng nghe ngóng và chờ thời, trong khi các nhà đầu tư trong nước vẫn tiếp tục các hoạt động M&A của mình. Yếu tố cốt lõi khiến các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào cuộc chơi này chính là sự cải thiện trong môi trường pháp lý, tăng tính minh bạch trong môi trường kinh doanh hiện nay
Duy Anh