Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trên cơ sở quy định đã được Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xác định.

Hướng điều chỉnh dự kiến giảm khá mạnh cho một số trường hợp có lượng tiền gửi lớn, cùng một số trường hợp được loại trừ.

Theo đó, đây dự kiến là lần đầu tiên sau gần 9 năm Việt Nam thực hiện giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Công cụ này theo đó sẽ có tác động mới sau một thời gian dài gần như không thay đổi.

Cụ thể, theo Quyết định 750 hồi tháng 4/2011, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các tổ chức tín dụng, tiền gửi VND không kỳ hạn và dưới 12 tháng từ 4% xuống 3%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ 2% xuống 1%.

{keywords}
 

Các mức quy định trên áp dụng cho đến nay, ngoại trừ lần điều chỉnh riêng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trong năm 2018.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là lượng tiền các tổ chức tín dụng phải gửi và duy trì ở Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Với tỷ lệ trên, cứ có 100 đồng tiền gửi, như loại không kỳ hạn và dưới 12 tháng, các tổ chức tín dụng phải để lại 3 đồng tại Ngân hàng Nhà nước chứ không được dùng kinh doanh cả 100 đồng.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ hiện áp các tỷ lệ cao hơn, tương ứng phân loại trên là 8% và 6% (riêng Agribank được áp thấp hơn 1% các loại).

Trong điều hành chính sách tiền tệ, tùy thuộc vào tình hình thanh khoản hệ thống, lạm phát, lãi suất…, dự trữ bắt buộc là công cụ có sức nặng và độ phủ lớn, thường tác động nhanh đến hệ thống và thị trường để nhà điều hành có thể đạt được mục tiêu điều tiết.

Tuy nhiên, cũng vì sức nặng của nó (trong giai đoạn 2008 - 2010, từng có quan điểm xem đây là "biện pháp bạo lực" đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng khi tăng lên để chống lạm phát với những tranh luận khác nhau) nên dự trữ bắt buộc thường được cân nhắc thận trọng mỗi khi điều chỉnh. Nó cũng giải thích vì sao sau gần một thập kỷ Việt Nam mới tính toán điều chỉnh.

Hướng điều chỉnh, như trên, đã được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017, gắn với quá trình tái cơ cấu hệ thống.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều chỉnh theo hướng: về đối tượng sẽ không áp dụng quy định về dự trữ bắt buộc cho một số đối tượng, gồm tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; tổ chức tín dụng chưa khai trương hoạt động; tổ chức tín dụng có quyết định thanh lý tài sản, hoặc giải thể, hoặc chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền.

Nhóm đối tượng trên hiện có Ngân hàng Đông Á (sau khi đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 và tiến hành tái cơ cấu), ba ngân hàng thương mại mà Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng.

Nhóm đối tượng này cũng được dẫn chiếu đến nhóm các ngân hàng thương mại khác được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong chính sách dự kiến ban hành. Đó là những trường hợp tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống.

Cụ thể, đối tượng được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trên cơ sở quy định tại Luật số 17/2017/QH14, tổ chức tín dụng hỗ trợ sẽ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Ở quy định này, tổ chức tín dụng hỗ trợ là tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Chiếu theo quy định trên, trong những năm qua Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã lần lượt tham gia hỗ trợ tái cơ cấu tại DongA Bank, CB Bank, Ocean Bank và GP Bank, qua hỗ trợ thanh khoản, cử nhân sự quả trị điều hành, hợp tác kinh doanh… ngay khi các tổ chức này thực hiện tái cơ cấu bắt buộc.

Tuy nhiên, việc xác định cụ thể sẽ chờ chính sách từ Ngân hàng Nhà nước.

Bước đầu, với gợi mở từ định hướng trên, dù số lượng thành viên được miễn và giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc không nhiều, nhưng phạm vi lượng tiền gửi dự kiến sẽ là một bộ phận lớn, do những thành viên nói trên (nếu cả Vietcombank, VietinBank và BIDV cùng được giảm) đang chiếm thị phần huy động lớn trong hệ thống.

Theo đó, hướng điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần này dự kiến sẽ có tác động lớn tới thị trường, nhất là sau khi lãi suất huy động VND có xu hướng lên cao trong năm 2018, cũng như có giá trị kích thích quá trình hồi phục tại những trường hợp đang kiểm soát đặc biệt.

(Theo VnEconomy)