Đại học Quốc gia TPHCM được thành lập ngày 27/1/1995, có tổng diện tích 643,7 ha tại khu quy hoạch Thủ Đức (TPHCM) - Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Ban đầu, quy hoạch của Đại học Quốc gia TPHCM được phát triển trên nền tảng của quy hoạch Làng đại học Thủ Đức do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và xây dựng từ thập niên 1960. Đến tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng làng đại học.
Thời điểm đó, tại lễ công bố Quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc cơ sở đào tạo này - cho biết khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM được xây dựng theo mô hình đô thị khoa học hiện đại, tại vị trí thuận lợi, ngay cửa ngõ đông bắc thành phố, gần khu công nghệ cao, tiếp giáp nhiều khu công nghiệp lớn của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Một điều chỉnh quan trọng trong quy hoạch năm 2023 là bổ sung khu tái định cư 10,03ha trên địa bàn phường Linh Xuân, TP Thủ Đức để tổ chức tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu quy hoạch Đại học Quốc gia TPHCM.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng trăm hộ dân chưa đồng ý di dời, giải tỏa khỏi khu vực quy hoạch Đại học Quốc gia TPHCM, thậm chí nhiều nhà dân nằm ngay giữa đường đi.
Hệ thống giao thông trong khu vực này bị đứt quãng. Mặt đường huyết mạch dẫn từ quốc lộ 1 qua Trường Đại học Nông Lâm TPHCM vào đây chi chít "ổ voi", "ổ gà".
Việc đi lại của sinh viên cũng như người dân càng khó khăn hơn trong mùa mưa.
Anh Đạt cùng nhiều người dân khác ở xung quanh làng đại học đang "vá" lại những hố sâu trên đường.
Những tuyến đường xung quanh các Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chưa được xây dựng đồng bộ vì còn nhiều mặt bằng chưa được giải tỏa.
Con đường cạnh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhiều năm nay thành chợ tự phát. Đây cũng là địa điểm quen thuộc với những hàng quán ăn uống giá rẻ dành cho sinh viên.
Dù các công trình chưa được xây dựng đồng bộ nhưng sinh viên theo học tại những trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM vẫn đang sử dụng nhiều tiện ích về cơ sở vật chất, phương tiện di chuyển.
"Em rất thích khuôn viên nhiều cây xanh và phòng tự học của trường. Việc sử dụng xe bus để di chuyển giữa các địa điểm trong khuôn viên làng đại học cũng như đi các quận khác cũng khá tiện lợi" - Ngọc Thanh (quê Hà Tĩnh), sinh viên năm nhất chia sẻ.
Theo quy hoạch, khu ký túc xá sinh viên có diện tích 42,08ha, gồm khu A và khu B với 47 tòa nhà từ 5-16 tầng.
Với số lượng hơn 90.000 sinh viên theo học, khu Đại học Quốc gia TPHCM được kỳ vọng sớm đồng bộ các công trình kết nối hạ tầng, giao thông để trong tương lai sẽ trở thành không gian đa chức năng gồm: khu đào tạo, học tập; khu điều hành, dịch vụ công cộng; khu viện nghiên cứu; khu công nghệ phần mềm; trung tâm thể dục thể thao; khu nhà công vụ, ký túc xá sinh viên; khu tái định cư...