Theo Thứ trưởng Bộ GTVT sau gần 20 năm triển khai, mới có 1.163km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Mục tiêu nhiệm kỳ 2021 - 2025 phải xây dựng, hoàn thành gần 2.000km đường cao tốc.
Ngày 1/6, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc và đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Bộ Chính trị khoá XIII cũng ra 6 Nghị quyết về phát triển vùng, xác định phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có đường bộ cao tốc.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã có những chương trình hành động, đưa ra mục tiêu cả nước phấn đấu đạt trên 3.000km đường cao tốc đến năm 2025.
“Đây là nhiệm vụ hết sức to lớn, bởi đến năm 2020, sau gần 20 năm triển khai, mới có 1.163km đường cao tốc được hoàn thành đưa vào sử dụng. Như vậy, trong nhiệm kỳ 2021 – 2025 phải xây dựng hoàn thành gần 2.000km đường cao tốc”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Làm rõ hơn, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Lê Quyết Tiến cho biết, giai đoạn 2001 - 2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường cao tốc.
Giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng XI, đưa vào khai thác thêm 1.074 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ của nước ta đến hết năm 2020 lên 1.163 km.
Từ năm 2020 đến nay Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thêm 566 km nâng tổng số đường cao tốc của cả nước đến nay lên 1.729 km.
“Như vậy chỉ trong 3 năm đã hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây”, ông Tiến nói.
Theo Bộ GTVT, trước đây bình quân 1 dự án quan trọng quốc gia, sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, tổng thời gian triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và khởi công mất khoảng 2 năm.
Thế nhưng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô lớn, nhiều công trình cầu, hầm có yêu cầu kỹ thuật cao, với tư duy mới, cách làm mới đã tiết kiệm, rút ngắn thời gian phê duyệt dự án. Điều này mang lại hiệu quả rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương đang khẩn trương triển khai xây dựng dự án đường Vành đai 3, đại diện TP.HCM cho biết, lần đầu tiên triển khai đường cao tốc do đó kinh nghiệm chưa nhiều.
Dù đảm bảo đúng tiến độ sẽ khởi công trước ngày 30/6, nhưng TP.HCM nhận thấy khâu chuẩn bị dự án là khâu mất rất nhiều thời gian, cần phải được quan tâm rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng ngay từ đầu.
Bổ sung thêm, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng nhấn mạnh có được kết quả như vừa qua, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết trong đó có một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai như cho phép triển khai sớm, đồng thời các công việc của bước lập dự án đầu tư; bước lập thiết kế kỹ thuật, dự toán.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng phối hợp chặt chẽ với địa phương, thực hiện các công việc liên quan đến công tác GPMB nhằm đảm bảo bàn giao 70% mặt bằng, đủ điều kiện triển khai thi công dự án…
Đáng lưu ý, Bộ cũng tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm.
Thậm chí đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng.
Đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc
Chính phủ xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc. Đến nay, đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.729 km đường bộ cao tốc như vậy trong 3 năm tới phải tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.270 km.
Thực hiện mục tiêu này, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của 6 dự án đường cao tốc (cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng , Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và vành đai 4 Hà Nội) với tổng chiều dài khoảng 1.300 km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng.
Hiện, Cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã triển khai 11 dự án, đưa vào khai thác 6 dự án. Đặc biệt, tháng 6 này, một loạt những dự án phân cấp cho địa phương sẽ tổ chức khởi công, xây dựng như: Châu Đốc - Cần Thơ - Cần Đề, Đồng Nai – Vũng Tàu, Nha Trang – Buôn Ma Thuột…