Donald Trump đổi chiều
Hàng loạt các vụ tấn công vào 2 cơ sở dấu khí của Saudi Arabia vào cuối tuần qua được xem là một cú sốc chưa từng có đối với thị trường dầu thế giới cũng như Ả rập Xê út (Saudi Arabia). Lượng cung dầu của Saudi Arabia giảm gần 6 triệu thùng một ngày, tương đương 5% nguồn cung hàng ngày trên toàn cầu (và 50% nguồn cung của Saudi Arabia). Đây là một cú sụt giảm nguồn cung chưa từng có trong lịch sử ngành dầu khí hiện đại.
Cú sốc này đã ngay lập tức khiến giá dầu tăng vọt. Dầu Brent lên mức 70 USD/thùng. Cú sốc xảy ra vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang ở trong một tình trạng khá tồi tệ, đối mặt với nguy cơ suy thoái sâu sắc. Mỹ và Trung Quốc vẫn đang đối đầu trong một cuộc chiến thương mại...
Đây là một diễn biến khiến đồng minh Saudi Arabia của Mỹ rơi vào tình thế khốn khó. Nó khiến Trung Đông thêm bất ổn. Tuy nhiên, với Mỹ của ông Donald Trump và Nga của tổng thống Vladimir Putin, đây không hẳn đã là điều quá tệ hại. Giá dầu tăng nhưng không quá cao mang đến khá nhiều lợi ích cho Mỹ cũng như Nga.
Trên CNBC, 2 ngày sau thảm kịch, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không vội vàng đáp trả sau các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu khí của Saudi Arabia. Khẳng định này trái ngược với tuyên bố cuối tuần trước cho rằng Mỹ “đã khóa mục tiêu và lên nòng”.
Ông Donald Trump tuyên bố không vội vàng đáp trả các cuộc tấn công vào Saudi Arabia. |
Tuyên bố này được xem là phù hợp bởi Mỹ cần có thêm thời gian để đưa ra một quyết định đúng đắn, trong khi Saudi Arabia cũng chưa chính thức khẳng định ai đứng vụ tấn công vừa qua. Trung Quốc và một số nước cũng kêu gọi các bên bình tĩnh để tránh xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông.
Trả lời câu hỏi về việc Iran có hay không chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công, ông Donald Trump cho biết, vào thời điểm này, cần phải nhìn nhận vấn đề theo cách bình tĩnh, không vội vàng.
Ông Trump khẳng định không muốn chiến tranh với Iran mặc dù tin rằng nhiều khả năng nước Iran đứng sau vụ tấn công. Theo đó, giả thuyết Iran giật giây gần như chắc chắn nhưng Washington muốn có thêm bằng chứng. Mỹ sẽ thảo luận tình hình với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một số nước châu Âu.
Ông Trump cũng cho biết ông không muốn có chiến tranh với bất kỳ ai nhưng nước Mỹ cũng đã được chuẩn bị nhiều hơn bất kỳ ai khác. Nước Mỹ “có rất nhiều lựa chọn, nhưng chúng tôi chưa xét đến các lựa chọn đó vào thời điểm này”.
Hàng loạt các vụ tấn công vào 2 cơ sở dầu của Saudi Arabia. |
“Đó là một cuộc tấn công rất lớn và nó có thể phải trả giá với một cuộc tấn công lớn hơn rất, rất nhiều lần của chúng tôi. Nhưng trước hết, chúng tôi sẽ tìm ra người đã thực sự thực hiện cuộc tấn công đó,” ông Donald Trump khẳng định.
Trước đó, ngay sau vụ việc, lực lượng vũ trang Houthi, được cho là được hỗ trợ bởi Iran, đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Còn Tổng thống Iran ông Hassan Rouhani hôm thứ Hai cho rằng, cuộc tấn công vào nhà máy dầu của Saudi là sự “ăn miếng trả miếng”, cú trả đũa lẫn nhau đối với việc xâm lược Yemen.
Nga, Mỹ hưởng lợi, Bắc Kinh lo lắng
Tuy nhiên, Mỹ và Saudi Arabia đưa ra nhiều bình luận cáo buộc Iran. Một liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu cho biết cuộc tấn công được thực hiện bởi “vũ khí của Iran” và không bắt nguồn từ Yemen.
Tổng Thư ký NATO cũng có cáo buộc Iran "đang gây bất ổn" trong khu vực và kêu gọi tất cả các bên ngăn chặn tái diễn các vụ tấn công tương tự.
Dầu WTI lên trên 62 USD, dầu Brent lên trên 70 USD/thùng. |
Trên Reuters, ông Trump cho rằng, vụ tấn công các cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia ảnh hưởng đến thế giới nhưng không ảnh hưởng đến Mỹ bởi giá dầu không tăng nhiều và nước Mỹ có kho dự trữ xăng dầu rất lớn.
Giá dầu tăng nhưng không quá cao được cho là sẽ giúp Mỹ hưởng lợi từ việc xuất khẩu dầu mỏ, nhất là dầu khí đá phiến. Mức giá 70 USD được đánh giá là mốc có thể giúp các doanh nghiệp dầu khí đá phiến Mỹ tăng cường mở rộng sản xuất. Vị thế dầu khí của Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong tháng 10 tới dự kiến sẽ tăng mạnh lên mức kỷ lục hơn 8,8 triệu thùng/ngày. Đây sẽ là tháng thứ 9 liên tiếp sản lượng loại dầu này tăng lên.
Trên Twitter, ông Trump đã tự khen và cảm ơn chính mình vì đưa Mỹ thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất trên thế giới. Ông Trump cũng cho biết, ông không cần dầu khí Trung Đông, nhưng nước Mỹ sẽ giúp các đồng minh của mình.
Trên thực tế, từ năm 2018, Mỹ đã cung ứng ra thị trường 15 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn so với mức 12 triệu thùng của Saudi Arabia.
Mỹ có công nghệ khai thác dầu khí đá phiến mà các nước chưa thể làm được. |
Còn với Nga, cú sốc tại Saudi Arabia tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới nhưng có lẽ cũng không phải là vấn đề đối với nước này, thậm chí còn mang đến lợi thế cho Nga. Saudi Arabia không phải là đồng minh của Nga nhưng cũng là một khách hàng mua vũ khí của Moscow.
Ngay sau sự cố, nói chuyện với lãnh đạo Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Vladimir Putin đã bông đùa đề nghị bán cho Arab Saudi hệ thống phòng thủ trên không do Nga chế tạo S-300 và S-400, có khả năng “bảo vệ cho các hạ tầng cơ sở tại Arab Saudi khỏi bất kỳ hành động tấn công nào".
Nga hiện là sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới và có nền kinh tế dựa phần lớn vào dầu mỏ. Do vậy, giá dầu tăng sẽ mang lại lợi thế lớn cho nước này. Trước đó, trong các năm 2015-2016, nước Nga của ông Putin đã rơi vào khủng hoảng khi giá dầu thô tụt giảm xuống 30 USD/thùng.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc được cho là nước chịu nhiều tác động tiêu cực từ vụ tấn công nói trên trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có dấu hiệu sụt giảm tăng trưởng và không thể duy trì mức tăng 6% trong năm nay. Giá dầu tăng mạnh sẽ là một cú sốc đối với nước này.
Trong một tuyên bố mới nhất, đại diện Trung Quốc cho biết sẽ là vô trách nhiệm nếu quy trách nhiệm cho bất kỳ bên nào khi chưa có bằng chứng xác thực. Bắc Kinh cũng khẳng định quan điểm của Trung Quốc phản đối mọi hành động làm gia tăng xung đột, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
H. Linh