Nếu là người yêu chó, bạn hẳn luôn tin rằng người bạn lắm lông của mình là độc nhất. Nhưng làm sao bạn có thể nhận ra chính xác nó giữa hai chú chó cùng loài, đặc biệt là với chó con? Công ty khởi nghiệp về AI có tên Megvii khẳng định họ làm được điều đó.
Megvii là nhà cung cấp công nghệ siêu giám sát cho chính phủ Trung Quốc. Công ty này đang bắt tay vào nghiên cứu cách nhận diện sinh trắc học cho động vật. Nhưng thay vì quét toàn bộ khuôn mặt của chú chó, công nghệ này chỉ tập trung vào một dấu hiệu duy nhất là chiếc mũi.
Dựa trên ý tưởng mỗi chú chó đều có "dấu vân mũi" khác nhau, biện pháp được áp dụng tương tự cách smartphone hay các cơ quan thực thi pháp luật dùng vân tay để nhận diện con người. Không như một phương pháp nhận diện vật nuôi khá phổ biến khác là cấy chip, Megvii cho biết nhận diện vân mũi rẻ và ít gây tác động đến thú cưng hơn.
Những câu lạc bộ chó giống trên khắp thế giới cũng đã dùng vân mũi để định vị những chú chó đi lạc hay bị mất trộm. Cách thức cổ điển để lấy dấu vân mũi là phủ mực lên mũi và ấn nó vào một chiếc bảng trắng.
Tuy nhiên, với cách thức của Megvii, bạn không cần làm bẩn chiếc mũi xinh xắn của chó cưng. Chỉ cần hướng camera vào phần mũi chó là hệ thống sẽ có thể xác định những dấu hiệu nhận biết chính, tạo nên một hồ sơ độc nhất cho cún cưng nhà bạn trong cơ sở dữ liệu.
Có vẻ như việc này đòi hỏi phải có những tấm ảnh chất lượng cao chụp chiếc mũi của chú chó. Tuy nhiên, Megvii cho biết với cách thức này, có thể xác nhận danh tính của một chú chó khi đối chiếu với những hồ sơ hiện có thì độ chính xác lên đến 95%. Công ty này còn cho rằng nếu có cơ sở dữ liệu lớn hơn, hệ thống có thể tăng tỷ lệ nhận biết chính xác thêm nữa.
Hệ thống đòi hỏi nhiều tấm ảnh chụp chiếc mũi để tạo hồ sơ.
Ý tưởng dùng AI để nhận diện thú cưng không mới. Một ứng dụng điện thoại có tên Finding Rover sử dụng chức năng nhận diện khuôn mặt để giúp định vị chó lạc. Dựa trên những thuật toán được phát triển tại Đại học Utah, ứng dụng này thu thập hình ảnh những chú chó lạc từ chủ của chúng, sau đó đối chiếu với một cơ sở dữ liệu về những chú chó được tìm thấy tại các trung tâm cứu trợ động vật hay từ những người dùng khác. Người sáng lập ứng dụng này cho biết đã có hơn 15.000 thú cưng trở về với chủ của chúng.
Megvii cho biết ngoài việc tìm kiếm thú cưng bị lạc, công nghệ này còn có thể được các nhà chức trách sử dụng để giám sát việc "nuôi chó không văn minh". Đây là cụm từ được chính quyền Trung Quốc sử dụng để nói về những hành động như dắt chó không rọ mõm, không hốt phân chó khi chúng đi bậy…
Trong quá khứ, quyền sở hữu thú cưng từng bị giới chức nước này cho là thú vui tư sản. Tuy nhiên nó đã được công nhận trở lại trong những thập kỷ gần đây nhờ vào một bộ phận trung lưu ngày càng giàu có.
Theo một báo cáo về ngành công nghiệp thú cưng năm ngoái, thành thị Trung Quốc là nơi ở của hơn 91 triệu chó mèo được nuôi làm thú nuôi. Nhưng khi số lượng người nuôi thú tăng lên, số lượng than phiền từ người dân cũng tăng theo. Những người này thường bị chỉ trích về việc không dọn dẹp những thứ mà thú cưng của họ "xả ra" hay thả rông bừa bãi. Điều đó đã khiến chính quyền địa phương đặt ra những quy định nghiêm ngặt, từ đó gây ra sự phản đối kịch liệt của những người nuôi thú.
Một người đàn ông chụp ảnh với một con chó Maltese tại World Dog Show 2019 ở Thượng Hải. (Ảnh: Hector Retamal/AFP)
Bất luận thế nào, dường như không thiếu những người sàng vung tiền vào những người bạn bốn chân của họ. Do đó có nhiều doanh nghiệp đặt niềm tin vào ngành công nghiệp thú cưng đang phát triển ở Trung Quốc.
Lufax, một nền tảng trực tuyến được hậu thuẫn bởi tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc, Ping An, đã đưa ra một gói bảo hiểm sức khỏe cho thú cưng từ năm nay. Khách hàng chỉ cần quét gương mặt của thú cưng để mua bảo hiểm hay gửi yêu thường bồi thường. Nhưng có một tin buồn cho những người thích nuôi các loài động vật kỳ lạ khác là chương trình này hiện chỉ áp dụng cho chó và mèo.