Ông Hùng mua một cây kem yêu thích để thưởng thức bên hồ, chụp tấm ảnh check-in rồi đăng lên mạng xã hội, thông báo với bạn bè và người thân rằng mình đã kết thúc hành trình an toàn.
Về tới nhà, ông Hùng thay quần áo, lái xe ra sông Hồng để bơi. Đây là thói quen được ông duy trì mấy chục năm qua, bất kể đông hay hè. "Đây là cách để tôi bắt nhịp lại với cuộc sống thường nhật sau hành trình khám phá dài và nhiều vất vả”.
"Chuyến đi của tôi hoàn toàn bí mật. Ngoài hướng dẫn viên, vợ con và bạn bè đều không biết tôi chinh phục Tây Tạng. Sang Trung Quốc, tôi cũng không dùng được mạng xã hội, phải tạm dừng liên lạc với mọi người”, ông Hùng cho hay.
Ông Hùng là phượt thủ có tiếng trong nhiều hội, nhóm du lịch của Việt Nam. Năm 2019, khi 66 tuổi, ông từng lái mô tô đi xuyên lục địa Á - Âu, qua 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 6 tháng.
Phượt thủ có dáng người nhỏ bé, cao 1m6, nặng chưa tới 50kg, đã cùng “chiến mã” chinh phục quãng đường 45.000km, vượt bão cát ở Tân Cương (Trung Quốc) trong nắng nóng 40 độ C, qua đèo đá lởm chởm Tossor cao gần 4.000m ở Kyrgyzstan với một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm…
"Tôi không nhớ mình ngã xe bao nhiêu lần trong chuyến đó", ông Hùng kể.
"Trốn nhà" chinh phục Tây Tạng
Nếu chuyến phượt xuyên lục địa Á - Âu mang theo khát vọng được quay về thăm ngôi trường cũ ở Gruzia - nơi ông từng theo học ngành tự động hóa, thì với chuyến đi Trung Quốc, ông hy vọng chinh phục được quốc gia rộng lớn, sở hữu nền văn hóa đa dạng và đặc trưng - nơi ông chỉ được ngắm nhìn thoáng qua ở chuyến đi trước.
"Năm 2019, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm lái mô tô nên trên hành trình, tôi tập trung tuyệt đối, không dám lơ là để ngắm nhìn cảnh vật. Chính điều đó khiến tôi tiếc nuối, luôn ấp ủ mong muốn được trở lại Trung Quốc, khám phá nhiều hơn thiên nhiên, văn hóa”, ông Hùng cho hay.
Trong 5 năm qua, ông Hùng vẫn duy trì đều đặn việc tập bơi, ngồi thiền để tăng sức dẻo dai. Năm 2020, ông chở vợ đi xuyên Việt vào Cà Mau trong 20 ngày. Khi đó, ông 67 tuổi, vợ ông 66 tuổi.
Ông là thành viên nhiều tuổi nhất trong câu lạc bộ mô tô Hà Nội, nhưng gần như không bỏ lỡ bất cứ chuyến đi nào. Cùng với những thành viên trong câu lạc bộ, ông phượt Cao Bằng, Hà Giang, lái mô tô một mạch từ Hà Nội vào Quảng Trị, đến nhiều tỉnh thành để hỗ trợ các giải đua xe đạp, chạy bộ, hội khỏe…
"So với 5 năm trước, ở tuổi 71, tôi thấy cơ thể vẫn dẻo dai, tinh thần tốt, trí tuệ minh mẫn. Đặc biệt, kỹ năng - kinh nghiệm - trình độ xử lý tình huống khi lái xe phát triển hơn rất nhiều. Đúng là ‘trăm hay không bằng tay quen’. Đây là lí do khiến tôi tự tin chinh phục Tây Tạng - một cung đường vô cùng khắc nghiệt, thách thức bất cứ phượt thủ nào", ông Hùng chia sẻ.
Trong chuyến phượt xuyên lục địa Á - Âu, dẫn đường cho ông Hùng là anh Hà, một hướng dẫn viên nhiều năm kinh nghiệm. Trở về sau chuyến đi, ông Hùng có vài lần nói về mong muốn phượt Trung Quốc với anh Hà.
Đầu tháng 6, anh Hà gọi điện thông báo có một đoàn khách Việt sẽ thực hiện chuyến phượt Tây Tạng (Trung Quốc) bằng ô tô. Khi anh Hà đề xuất với đoàn để ông Hùng cùng tham gia, người trưởng đoàn đồng ý, bởi vị này cũng biết tới phượt thủ cao tuổi Trần Lê Hùng. Ông Hùng, anh Hà có thể lái mô tô, chạy ghép đoàn với điều kiện đảm bảo đúng quy định và lịch trình đề ra.
"Tôi không chần chừ mà đồng ý ngay, tốn kém bao nhiêu tiền tôi cũng sẵn lòng”, ông Hùng kể.
Tuy nhiên, thời gian gấp rút, ông Hùng có chưa tới 10 ngày để chuẩn bị thủ tục. "Tôi phải hoàn tất thủ tục đổi hộ chiếu, xin visa, khám sức khỏe để mua bảo hiểm quốc tế, các giấy phép vào Tây Tạng… Vì thời gian gấp rút, nên tôi cũng chuẩn bị sẵn tinh thần, nếu không kịp đi cùng đoàn, tôi sẽ xem như chưa đủ duyên”, ông Hùng nói.
May mắn, ông Hùng đã hoàn thiện thủ tục ở "phút thứ 90”.
Trước chuyến đi, ông chỉ thông báo với gia đình là "đi phượt với bạn vài ngày”. Phượt thủ 71 tuổi giải thích: "Đây là chuyến đi xa, nhiều trắc trở, rủi ro nên tôi không muốn ‘nói trước, bước không qua’. Tôi bí mật thực hiện, không để ai biết”.
Để có thể đi phượt xe mô tô vào Trung Quốc, ông phải di chuyển qua Lào. Quãng đường tới cửa khẩu Lào - Trung Quốc gập ghềnh, sình lầy, rất khó đi. Nhiều đoạn đường, ông Hùng phải đứng lên để điều khiển xe. Mất 4 ngày di chuyển, ông Hùng và anh Hà mới lái xe được tới cửa khẩu Lào - Trung Quốc.
Năm 2019, khi qua biên giới Lào, ông Hùng từng gặp tai nạn. Ông bất cẩn ôm cua quá rộng, không thể điều khiển tay lái. Để tránh lao xuống vực, ông buộc phải lao xe vào cột mốc bên đường. Chiếc xe gãy cổ trước, bung lốp khỏi vành, ông bay khỏi xe.
"Chuyến này, tôi dày dặn kinh nghiệm hơn nhiều rồi. Tất nhiên, càng kinh nghiệm tôi càng cẩn thận, không chủ quan, lơ là”, ông Hùng khẳng định.
Khi ông Hùng tới Vân Nam (Trung Quốc), con dâu gọi điện hỏi thăm. Lúc này, cả nhà mới biết, ông đã sang tới nước bạn. "Dẫu vậy, tôi không nói cụ thể sẽ đi đâu, đi bao lâu. Tôi nhắn nhủ các con cứ yên tâm, bố đi chơi rồi về an toàn. Tôi cho con số liên hệ của anh Hà để khi cần thì liên lạc.
Do tôi không tìm hiểu kỹ, chưa cài đặt internet và các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc nên không thể liên hệ với gia đình", ông Hùng cho hay.
Hành trình khắc nghiệt
Theo lịch trình, đoàn phượt sẽ di chuyển qua một số tỉnh phía Tây của Trung Quốc, gồm Vân Nam, Quý Châu, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Lan Châu, Thanh Hải và Khu tự trị Tây Tạng.
“Xe ô tô và mô tô có tốc độ đi khác nhau và cung đường cũng có sự khác nhau. Họ đi cao tốc kết hợp quốc lộ, trong khi tôi và anh Hà đi đường quốc lộ để ngắm nhìn các làng bản, tìm hiểu văn hóa địa phương.
Tuy nhiên, chúng tôi phải đảm bảo tuyệt đối lịch trình, tụ họp với đoàn tại khách sạn đã định trước vào mỗi tối. Sáng hôm sau, cả đoàn làm thủ tục cần thiết theo quy định rồi mới di chuyển”, ông Hùng cho hay. "Cũng bởi vì như thế mà có những ngày, chúng tôi phải chạy xe liên tục 22 tiếng”.
Cung đường khắc nghiệt nhất chuyến đi là khi hai phượt thủ vượt qua đèo Semo La.
Semo La là con đèo nằm ở miền trung của Tây Tạng và dẫn đến khu vực Changtang. Nó còn được gọi là tỉnh lộ 206 (S206), một con đường vắng vẻ giữa vùng núi hoang vắng. Với độ cao 5.565m, Semo La được xem là con đường trải nhựa cao nhất thế giới.
Nửa đêm, ông Hùng và anh Hà mới lên tới đỉnh đèo. Lúc này, nhiệt độ ngoài trời là -3 độ C, gió thổi rất mạnh. Ông Hùng rơi vào tình trạng mất điều khiển, kiệt sức. Ông dừng xe lại bên đường, ngồi bệt xuống, tựa vào chiếc mô tô.
"Hà liên tục nhắc tôi: Nếu chú nghỉ ở đây thì sẽ chết vì lạnh. Nhưng tôi quá mệt, biết chắc bản thân không thể lái xe, và nếu lái sẽ lao xuống vực. Hà đưa cho tôi một thanh socola. Tôi chỉ nhấm nháp được nửa thanh rồi nhét vội vào túi áo, thiếp đi. Chừng một giờ sau, tôi tỉnh dậy, thấy tỉnh táo hơn hẳn. Hà mừng ra mặt vì cậu ấy đang định gọi cứu hộ quốc tế”, ông Hùng kể.
Hai phượt thủ lại lên xe, tiếp tục xuống bên kia đèo. Họ bắt buộc phải có mặt ở khách sạn trước 7h sáng để nhập đoàn.
"Trên đường không có cột đèn nên đen kịt, chỉ có ánh sáng từ đèn xe của hai chú cháu. Có lúc chúng tôi đi vào ổ gà sâu hoắm, người bật khỏi yên. Tới 3h, tôi thấy đèn xe của Hà cứ xa dần. Tôi đi chậm lại, Hà nói: 'Chú ơi, cháu gục rồi'. Sau đó, cậu ấy cũng đỗ xe bên đường, ngủ thiếp trên yên xe 30 phút”, ông Hùng kể.
Khi anh Hà tỉnh dậy, trời cũng hửng sáng. Hai chú cháu phóng xe nhanh nhất có thể tới nơi đoàn tập kết. Làm xong thủ tục, họ ở lại khách sạn ngủ bù.
"Khổ, mệt, nhiều rủi ro, có lúc tưởng gục ngã nhưng tôi đã vượt qua được tất cả. Tôi yêu chuyến đi khi được tận mắt ngắm nhìn những ngôi làng rất đẹp, nằm bên thảo nguyên, núi đồi, sông suối, nơi người dân vẫn giữ những nét phong tục truyền thống qua bao đời”, ông Hùng nói.
Ông đặc biệt ấn tượng với những ngôi làng của người Tạng - nơi mỗi ngôi nhà được đắp kín xung quanh bởi phân gia súc.
Hầu hết người dân ở đây sống bằng nghề chăn thả bò yak và dê. Nhà đắp càng nhiều phân, chứng tỏ gia súc càng đông và chủ nhân ngôi nhà rất giàu có. Ở Tây Tạng, phân bò còn là một loại chất đốt quan trọng thay thế cho củi.
"Trên một con đèo ở mảnh đất Tây Tạng huyền bí, tôi bắt gặp một đoàn người Tạng hát khúc nhạc truyền thống. Họ hát bằng tất cả trái tim giữa đất trời hùng vĩ. Khoảnh khắc ấy, dù không hiểu ngôn ngữ, nhưng bằng giai điệu, tôi vẫn cảm thấy xúc động trào dâng”, ông Hùng kể.
"Tôi luôn trân trọng những cảm xúc mình có được trong mỗi hành trình. Dù ở tuổi 20, 30 hay 70, tôi vẫn rất yêu cuộc đời. Thậm chí, khi bước qua tuổi 70, tôi thấy đây là lúc tình yêu trở nên đẹp nhất. Tôi vẫn sẽ duy trì lối sống điều độ, tập bơi, thiền, lái xe…
Nếu có cơ hội, tôi sẽ tiếp tục những hành trình dài để hưởng thụ vẻ đẹp cuộc sống”, phượt thủ 71 tuổi tâm sự.
Ảnh: NVCC