Tại buổi khai mạc Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 2 chương trình giáo dục phổ thông mới diễn ra mới đây, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của 4 nhà xuất bản (NXB), gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, có 33 bản mẫu SGK của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 đã được gửi về. Trong số này, môn Toán có 4 bản mẫu SGK; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 bản; các môn còn lại (gồm tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Hoạt động trải nghiệm) mỗi môn có 3 bản mẫu.
Ông Tài cho hay, hồ sơ đề nghị thẩm định bản mẫu SGK của 4 NXB đã được Vụ Giáo dục Tiểu học tổ chức rà soát, khẳng định tính đầy đủ, hợp lệ.
Được biết, SGK Tiếng Việt lớp 2 có 3 bản mẫu gửi thẩm định gồm 2 bản mẫu của NXB Giáo dục Việt Nam thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo; bản mẫu còn lại thuộc bộ Cánh diều của NXB ĐH Sư phạm TP.HCM.
Hiện, việc thẩm định sách giáo khoa 2 vòng của đợt đầu tiên đã kết thúc. Tuy nhiên, được biết, không có sách Tiếng Việt lớp 2 nào được đánh giá Đạt.
Sau 2 vòng của đợt thẩm định đầu tiên, chưa bản mẫu sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 nào được đánh giá Đạt. Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Bộ GD-ĐT sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa đợt 2 của các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa thông qua đơn vị đề nghị thẩm định là các nhà xuất bản từ ngày 15/11 đến hết ngày 30/11/2020.
Các bản mẫu đáp ứng yêu cầu sẽ được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt để các địa phương chọn và đưa vào sử dụng từ năm học 2021-2022 tới đây.
Liên quan đến việc biên soạn SGK, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, để đảm bảo nâng cao chất lượng, Bộ GD-ĐT dự kiến trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc kiểm soát quá trình thực nghiệm sách.
“Trước đây, các nhà xuất bản phối hợp với tác giả đi thực nghiệm. Nhưng tới đây sẽ có sự tham gia của Bộ GD-ĐT trong việc phối hợp chỉ đạo cùng các nhà xuất bản thì sẽ hiệu quả hơn”, ông Độ nói.
Ngoài ra, trong thời gian sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường khâu thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản. “Các nhà xuất bản trước khi gửi bản mẫu hoàn thiện lên Bộ thì đã phải tổ chức thẩm định sơ bộ. Chúng tôi muốn nâng cao chất lượng của các bản mẫu trước khi gửi lên hội đồng thẩm định quốc gia” - ông Độ nói.
Ngoài ra, ông Độ cho hay cần mở rộng đối tượng để có thể thêm các ý kiến đóng góp một cách rộng rãi hơn, từ đó chắt lọc nhiều ý kiến tốt cho quá trình chỉnh sửa.
Thanh Hùng
Bộ GD-ĐT đã trả lại 16 triệu USD để làm sách giáo khoa
Bộ GD - ĐT đã trả lại 16 triệu USD để xây dựng SGK, khoản tiền này để trong tài khoản của Ngân hàng thế giới (WB), Bộ GD - ĐT chưa sử dụng.