Đầu năm 2024, huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) còn 2.001 hộ nghèo, chiếm 10,19%. Theo kế hoạch chỉ tiêu do UBND tỉnh giao, huyện cần giảm 2,2% hộ nghèo trong năm nay.

Mục tiêu cụ thể được huyện kịp thời hiện thực hoá bằng kế hoạch cụ thể, sát với tình hình thực tế. Huyện phân công các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân phụ trách giúp đỡ từng hộ gia đình; phân bổ chỉ tiêu cho từng thôn, làng của 10 xã, thị trấn. Điều quan trọng nhất là kế hoạch hỗ trợ phải được xây dựng và thực hiện trên cơ sở rà soát nhu cầu cụ thể của từng hộ, giúp các hộ được bù đắp các khoảng thiếu hụt chiều dịch vụ xã hội cơ bản và nguyên nhân nghèo.

Sát thực tế, trúng đối tượng trong kế hoạch và thực thi, theo kết quả mới nhất, đến đầu tháng 11, toàn huyện giảm được 431 hộ nghèo, tương đương giảm 2,28% (vượt kế hoạch tỉnh giao). Đến nay, toàn huyện còn 1.570 hộ nghèo, chiếm 7,92%.

Tại xã Ia Lang (huyện Đức Cơ), chương trình giảm nghèo bền vững được xã thực hiện bằng việc làm cụ thể, thiết thực như: hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi; dạy nghề cho người nghèo; kêu gọi cộng đồng hỗ trợ hộ nghèo... Đối với những hộ nghèo thiếu đất sản xuất, ngoài hỗ trợ cây, con giống và nhà ở, xã còn kêu gọi sự chung tay giúp sức của các nhà hảo tâm.

Đầu năm 2024, 2 căn nhà tình nghĩa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của Huyện Đoàn Đức Cơ phối hợp dự án thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia. Cũng trong năm, 60 học viên trong xã được đào tạo nghề trồng cà phê và nghề hàn, các lớp do UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện và Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức.

Xã Ia Krêl chọn cách làm tập trung giúp các hộ nghèo theo địa chỉ. Trên tinh thần công khai, từ đầu năm, sau khi công bố số hộ thoát nghèo trong năm, xã tiến hành họp bàn, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ hộ nghèo. Cán bộ xã, thôn được phân công trực tiếp đến từng hộ tìm hiểu kỹ nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng của bà con rồi phân loại để có hướng hỗ trợ. 

Năm nay, địa phương có 39 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Cùng các hoạt động hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, cuối năm 2024, toàn xã có 45 hộ thoát nghèo.

W-nong-nghiep-nha-kinh-ng-hue-19-1.jpg
Nhiều địa phương quan tâm, hỗ trợ sinh kế, giúp người dân phát triển sản xuất. 

Với xã Ia Din, năm 2024 có tới 52 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của địa phương xuống còn 9,51% (tương đương 199 hộ). Cũng trên cơ sở rà soát, xã chia theo nhóm đối tượng hộ nghèo.

Đối với những trường hợp ốm đau, bệnh tật, xã giúp đỡ hoàn thiện hồ sơ để đề nghị hỗ trợ theo quy định. Trong khi đó, với nhóm hộ có khả năng lao động, xã tìm hiểu nguyên nhân nghèo và nhu cầu của từng hộ.

Đây là cơ sở để xã huy động nguồn lực hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn bà con vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn đúng cách, cung cấp kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện cho người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; đồng thời, phân công các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ hộ nghèo vươn lên. 

Đơn cử, gia đình anh Rơ Mah Mek (làng Yít Tú) thuộc hộ nghèo, không có đất sản xuất. Đầu tháng 11, gia đình anh được hỗ trợ 2 con bò sinh sản. Trước khi nhận bò, xã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi.  

Hỗ trợ đào tạo nghề, giúp bà con hiểu kiến thức là nền tảng để có việc làm bền vững

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được các địa phương tại huyện Đức Cơ triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo niềm tin và động lực cho các hộ nghèo.

Từ nguồn lực tổng hợp được huy động, huyện đã triển khai đầu tư toàn diện từ nhà ở, nhà vệ sinh, nước sạch, đến hỗ trợ sản xuất, thông tin, đào tạo nghề cho hộ nghèo, cận nghèo. Người dân dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hiểu kiến thức là nền tảng để có việc làm bền vững, thông qua các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao.

Tại xã Ia Kla, nhờ các giải pháp đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, đến cuối năm 2024, xã còn 165 hộ nghèo (chiếm 8,23%). Ngoài hỗ trợ sinh kế là hàng chục con bò sinh sản được hỗ trợ cho các hộ nghèo, hỗ trợ 9 hộ làm nhà ở, xã chú trọng tuyên truyền, vận động người lao động trong các hộ nghèo, cận nghèo tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp với địa phương như xây dựng, trồng cà phê, nghề điện.

Anh Ksor Tuyên (làng Sung Kép, xã Ia Kla) là một trong số đó. Hiện gia đình anh đang nuôi con bò sinh sản được xã hỗ trợ, ngoài ra, anh cũng đã theo học lớp nghề xây dựng do xã phối hợp tổ chức. Sau khi học nghề, anh tự tin làm thợ xây cùng với bà con trong làng, đem lại mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Có việc làm, thu nhập ổn định, anh càng có động lực chăm chỉ làm ăn để phấn đấu thoát nghèo trong năm 2025.

Còn xã Ia Din phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đức Cơ mở các lớp học nghề cạo mủ cao su. Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng NN & PTNT huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cải tạo vườn điều, tái canh cà phê.  

Thực tế, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cùng với việc thay đổi phương thức hỗ trợ không "cấp không" mà theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhận thức của người dân tại Đức Cơ đã có thay đổi rõ nét trong công tác giảm nghèo.

Đối với chương trình nhà ở, Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, người dân đối ứng 40 triệu đồng bằng cách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Còn đối với chương trình hỗ trợ bò sinh sản, người dân đối ứng bằng cách làm chuồng trại.

Tới đây, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.