Có ai gần cưới rồi mà gặp tình trạng bị bố mẹ chồng so sánh với dâu con nhà khác không ạ? Bọn em đã ăn hỏi được cách đây một tuần, đợi tháng sau là cưới nhưng càng gần ngày cưới em lại càng thấy nảy sinh nhiều vấn đề.
Hôm vừa rồi bên nhà chồng sắp cưới em có cỗ, em sang phụ giúp. Đến khi cỗ bàn xong bố mẹ chồng ngồi khen con dâu nhà hàng xóm giỏi, đám cưới tự tay lo hết tất tật. Ông bà bên đấy tốn có 5 triệu mà chị ấy còn không muốn bố mẹ chồng bỏ tiền ra. Sau đó họ quay sang cảm thán là ai như nhà này, đã phải lo tiền tráp lễ các thứ rồi, còn không biết đường tự bỏ tiền ra mà đi chụp ảnh cưới, ti tỉ thứ tiền từ nhỏ nhất cũng bắt bố mẹ.
Đến lúc đèo em về, chồng sắp cưới cũng khen chị hàng xóm giỏi, hỏi em sao không giỏi được như người ta.
Em thật sự chán luôn ạ, đáng ra những điều ấy bố mẹ chồng sẽ phải nói riêng với chồng em chứ. Em là đằng gái sao có thể lo được cho cả bên nhà chồng các khoản tiền cưới đó. Người ta may mắn được giỏi giang, thành đạt, nhưng chồng người ta cũng giỏi không kém, chứ chả có người giỏi nào lại chấp nhận lấy người bình thường rồi lại phải lo tất tật cả.
Đằng này nhà chồng em chỉ nhìn vào mỗi dâu rồi cạnh khóe em. Em có nên dừng đám cưới không khi thái độ bố mẹ chồng và cả chồng cũng đang không ổn?
Ngay sau khi đăng tút chia sẻ băn khoăn của mình, cô gái đã nhận được sự chú ý của hàng ngàn cư dân cõi mạng. Hàng trăm người trong số đó vào bày tỏ ý kiến chỉ trích nhà trai và quân sư xử lý tình huống giúp cho cô.
Các ý kiến mạnh mẽ chê trách lối suy nghĩ tham lam, kiêu ngạo của nhà trai, cho rằng không biết bên nhà trai đã nhìn lại con trai mình chưa. Người ta lấy được vợ giỏi giang là vì bản thân người ta cũng không hề thua kém: "Có giỏi giang cũng là con dâu nhà người ta. Người yêu nói xong nhanh chóng hỏi lại một câu: Nếu em mà giỏi giang, khéo léo như chị hàng xóm thì đã không quen anh rồi. Nói xong thì ai về nhà đấy. Đời còn dài, trai còn nhiều", "Bảo bố mẹ chồng với chồng sang nhà hàng xóm mà xin con dâu, sang xin khéo người ta đuổi thẳng cổ cho, còn không lấy chồng này thì lấy chồng khác", "Hỏi mẹ chồng liền: Vậy ngày xưa chắc mẹ cũng rất vất vả mới vượt được ải đứng núi này trông núi nọ của bà nội để lấy bố con phải không ạ? Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau, chứ anh hàng xóm thích con giỏi hơn anh nhà mình, bố mẹ anh ấy thì tin tưởng sự lựa chọn của con trai, tuyệt nhiên không có cái kiểu đem con dâu ra so sánh với con dâu nhà người khác. Chào mọi người con về, chúc anh nhà sớm lấy được vợ cho bố cho mẹ mát mày mát mặt", "Phải hùa vào khen với mẹ chồng là nhà hàng xóm ăn ở thế nào mà có phúc thế"...
Sau màn quân sư bằng những câu "đối đáp sắc như dao" mà dân mạng bày cho cô gái, nhiều người thật lòng khuyên cô rằng nếu mới chỉ ăn hỏi thì cứ... trả lễ mà về. Ý kiến các cụ có thể không buồn chấp, nhưng người mình sẽ lấy làm chồng mà cũng có chung suy nghĩ như thế thì đã biết sau này lấy về có được nhờ chồng hay không rồi.
"Dẹp luôn đi em gái ạ! Cái ngữ chồng và nhà chồng em mà lấy về thì phần đời còn lại chỉ có cơm chan nước mắt ngồi nghe chì chiết thôi", "Nếu là bố mẹ chồng thì không nói vì mình có thể dọn ra ở riêng. Nhưng đến chồng bạn cũng hùa theo để nói thì sau này về sống chung có xảy ra xích mích bạn biết kết quả thế nào rồi đấy", "Đến chồng mà còn có tư tưởng nhờ nhà vợ thì dẹp luôn đi chứ còn cưới xin gì", "Dẹp thôi chứ nghe là thấy mùi được nhờ chồng rồi. Lấy vợ đến nơi mà cái gì cũng ông bà già lo hết thì trông mong gì, các cụ còn thảo tính nữa chứ"... là những lời khuyên cô gái nên "quay xe" nếu không muốn đời mình sau này sẽ khổ.
Xưa nay đàn ông lấy vợ được xem là một trong những "việc lớn" trong đời phải lo. Lấy vợ là lấy về cho gia đình thêm một người con, trách nhiệm trên vai người con dâu trong gia đình chồng không hề nhỏ nên việc lo đám cưới hỏi sẽ thuộc phần lớn trách nhiệm nhà trai, cũng là cách để nhà chồng báo đáp nàng dâu, cha mẹ nàng dâu khi cô ấy bước chân về nhà chồng.
Một gia đình nhà chồng mà cưới dâu về lại không muốn mất gì, muốn con dâu "lo tất tật" thì thật thiếu thành ý.
Tất nhiên trong xã hội hiện đại, khi bố mẹ già không còn khả năng lo được đám cưới cho con, nếu con cái đã thành đạt, giỏi giang thì có thể tự tổ chức hôn lễ của mình. Bố mẹ chỉ đóng vai trò như một chỗ dựa tinh thần cho cuộc hôn nhân của các con, thì đó cũng là cái phúc mà cả nhà được hưởng. Nhưng không nên lấy đó làm "thước đo chuẩn" cho tất cả mọi nhà, so bì nhà này nhà kia lấy được con dâu về mà không mất gì sẽ khiến người đời cười chê hơn là ngưỡng mộ.
"Con dâu về đưa tiền cho bố mẹ chồng cưới dâu ư? Cầm tiền rồi có thấy ngượng không?", "Em hỏi chồng em có về ở rể không, nếu có thì em lo hết, lại còn cho chồng của hồi môn" là một số ý kiến bình luận của cư dân mạng cười chê sự ngược đời của nhà chồng tương lai cô gái.
Theo Dân trí
5 năm kết hôn mới thấy chồng khóc nấc, biết lý do tôi sốc nặng
Cho đến bây giờ tôi nhận ra, cuộc hôn nhân của mình bấy lâu nay vẫn có hình bóng của người thứ 3 vô hình nào đó.