Chỉ trong thời gian ngắn, gần 600m chiều dài bờ sông Đà phía chân đê bối Hồng Đà, xã Dân Quyền bị sạt lở cuốn theo diện tích lớn đất canh tác và hàng nghìn gốc cây cối, hoa màu chuẩn bị thu hoạch. Tình trạng xảy ra nghiêm trọng nhất ở khu 13 và khu 14, xã Dân Quyền.

Bất lực nhìn gia sản trôi theo dòng nước

Có nhà và đất canh tác gần cầu Trung Hà, những ngày qua, ông Nguyễn Văn Toản, khu 13, như "ngồi trên đống lửa" khi bất lực nhìn hơn 1.000 m2 đất với khoảng 4.000 gốc cây hoa hồng và hoa cúc đang chuẩn bị thu hoạch bị sạt lở hoàn toàn.

W-IMG_20240629_181258.jpg
Ông Toản buồn rầu khi 2000 gốc hoa hồng đang vào vụ mất trắng do sạt lở. Ảnh: Đức Hoàng

Ông Toản buồn rầu chia sẻ: “Gia đình tôi làm nghề trồng hoa đã lâu năm và đây là nguồn kinh tế chính của gia đình. Chỉ trong một tháng trở lại đây, gần 100m dọc bờ sông trồng hoa đã bị sạt lở ăn sâu vào hơn 10m, tính riêng 3.000 gốc hoa hồng tôi đầu tư ban đầu đến nay chỉ còn lại khoảng hơn 1.000 gốc”.

Cùng chung cảnh mất đất vì sạt lở, vườn chuối rộng hơn 3.600m2 của ông Nguyễn Văn Dũng nay phần lớn đã bị nước cuốn.

W-IMG_20240629_181300.jpg
Vườn chuối của ông Dũng bị dòng nước nhấn chìm, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Ảnh: Đức Hoàng

Ông Dũng bày tỏ: “Tôi cũng như toàn thể người dân nơi đây rất mong muốn cơ quan chức năng sớm xây dựng kè nhằm giải quyết tình trạng sạt lở để người dân yên tâm sản xuất”.

Trao đổi với VietNamNet, bà Lê Hương Ly, Trưởng khu 13 cho biết: Phần lớn diện tích đất dọc bờ sông Đà của xã là của các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng được UBND xã giao, cho thuê để canh tác, sản xuất nông nghiệp từ hàng chục năm nay.

Chỉ trong vòng 2 năm, phần sạt lở đã ăn sâu vào phía đất liền 70 - 80m chạy dài theo đê khoảng 600m.

W-IMG_20240629_181256.jpg
Trước khi sạt lở, đất canh tác của người dân xuất hiện các vết rãnh nứt. Ảnh: Đức Hoàng

"Từ đầu tháng 6, tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn khi liên tục xuất hiện các vết nứt sâu, sau đó đất cứ thế bị dòng sông nuốt chửng. Hết vết nứt này lại xuất hiện vết nứt mới, diện tích đất canh tác nông nghiệp lại cứ thế cuốn theo dòng nước sông Đà", lời bà Ly.

Theo bà Ly, hiện nay, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã đã lấp đầy nên các hộ dân canh tác nông nghiệp ở đây sẽ phải tìm kế sinh nhai mới nếu tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn. 

Phú Thọ công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

Trước tình trạng sạt lở ở xã Dân Quyền nêu trên, vào ngày 27/6, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai (bao gồm phương án xử lý và lệnh xây dựng công trình khẩn cấp) sự cố sạt lở bờ sông đoạn tương ứng từ km31+950 – km32+260 đê tả sông Đà.

W-IMG_20240629_181247.jpg
Vệt sạt lở dài khoảng 600m uy hiếp an toàn cầu Trung Hà. Ảnh: Đức Hoàng

Theo báo cáo sơ bộ của cơ quan chức năng, hiện nay tại vị trí đoạn km32+800 đến km33+400 thuộc khu 13 và 14, xã Dân Quyền xuất hiện đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 600m. Vị trí sạt lở cách chân đê bối Hồng Đà khoảng 50m, cách nhà dân khoảng 100m và nằm sát phần móng trụ đầu cầu Trung Hà đang trong giai đoạn thi công, sửa chữa.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Dân Quyền Nguyễn Trọng Thi, trước mắt, UBND xã đã cho căng dây, rào chắn, cắm biển báo khu vực nguy hiểm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở để nhân dân nắm được tình hình sạt lở hiện nay, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.