Sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị di động thông minh cùng với sự mở rộng tính tương tác và tiện ích trên Internet, sẽ là thời kỳ hoàng kim cho du lịch trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định, trong xu thế CNTT, Internet, công nghệ số đang có sức lan tỏa trên toàn cầu, cuộc Cách mạng 4.0 đang trở thành yêu cầu và xu thế tất yếu của sự phát triển. Du lịch và công nghệ thông tin là hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt nhưng có động lực chung, mục tiêu chung, đều là phục vụ khách hàng là khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng du lịch.

Tổ chức Du lịch thế giới nhận định cuộc cách mạng công nghệ và mạng xã hội chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch những năm vừa qua. Sự gia tăng mạnh của những nhóm khách lẻ sử dụng dịch vụ từ các đại lý du lịch trực tuyến đã làm thay đổi đáng kể thị trường này.

{keywords}
Du lịch trực tuyến phát triển mạnh mẽ

Trên thực tế, doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 tăng 14% và đạt khoảng 565 tỷ USD. Tại khu vực Đông Nam Á, Google dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến sẽ tăng mạnh từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025.

Việt Nam được nhận định là quốc gia thuộc khu vực các nền kinh tế năng động ở châu Á, có dân số đông và trẻ, công nghệ Internet di động phát triển nhanh, lượng người và mức độ sử dụng mạng trong ngày cao hàng đầu thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia, hoàn toàn có thể khẳng định Việt Nam là môi trường lý tưởng để phát triển du lịch trực tuyến.

Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch,... Vào những tháng du lịch hè cao điểm, số lượt tìm kiếm có thể lên đến 8 triệu lượt. Qua các năm, tỷ lệ này vẫn đang tiếp tục tăng khả quan.

Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp để đạt mức tăng trưởng 30% trong năm 2017 này, bao gồm việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch và mở rộng danh sách các nước được thí điểm áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa).

Hai giải pháp này đều gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Ở phạm vi rộng hơn, du lịch trực tuyến đang tạo ra cơ hội mới giúp ngành du lịch có bước phát triển đột phá.

Trước xu hướng bùng nổ của du lịch trực tuyến, các doanh nghiệp lớn đang bắt tay để hướng vào thị trường đầy tiềm năng này. Công ty cổ phần Công nghệ DTT đã tư vấn cho Tổng cục Du lịch xây dựng Đề án tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030. Gần đây nhất, Tổng cục Du lịch đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).

Ông Nguyễn Tuấn Việt Sơn, đại diện sàn giao dịch du lịch trực tuyến Tripi, cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối với các doanh nghiệp du lịch, đại lý du lịch truyền thống để tăng quy mô thị trường, mở rộng phạm vi tiếp cận các sản phẩm du lịch.

Còn theo ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc CTCP Công nghệ DTT, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các chuyên gia công nghệ và các doanh nghiệp, cơ quan quản lý chuyên ngành du lịch nhằm tăng thêm giá trị thặng dư cho sản phẩm của ngành thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin.

Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT, cho biết, du lịch Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ và hứa hẹn bùng nổ trong thời gian tới. Với sự hợp tác ứng dụng CNTT với các tỉnh, thành, cộng đồng doanh nghiệp và Tổng cục Du lịch, VNPT hy vọng sẽ góp phần tạo ra hệ thống du lịch thông minh trên cả nước.

Đề cập đến cơ hội kinh doanh trên môi trường trực tuyến, bà Lê Tú, người phụ trách mảng bán lẻ và du lịch của Google ở Việt Nam, cho rằng, các doanh nghiệp du lịch trong nước nên tận dụng tốt những đặc điểm của thương mại di động trong nước.

Để có thể đuổi kịp và giành lại thị phần, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu nhu cầu thực tế của khách hàng, đồng thời đầu tư xây dựng website du lịch đáp ứng được 3 tiêu chí: thân thiện với giao diện di động, tốc độ tải nhanh, cung cấp thông tin hữu ích cho khách hàng.

Nam Hải