Tại Đại hội tim mạch toàn quốc đang diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia tim mạch hàng đầu cập nhật nhiều tiến bộ trong khám chữa bệnh, trong đó có triển vọng chăm sóc sức khoẻ từ xa.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết, đây là xu thế của thế giới trước sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI).
Thời gian qua, Việt Nam đã liên tục ứng dụng công nghệ tin trong khám, chữa bệnh, từ hội chẩn các ca bệnh Covid-19 nặng trên toàn quốc đến đồng loạt triển khai hơn 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa bằng telehealth – tư vấn trực tuyến đa bệnh viện thay thế mô hình 1-1 bằng telemedicine cũ.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu trình bày tại hội thảo
Tuy nhiên, nấc cao nhất của khám chữa bệnh từ xa là tiến tới phòng khám bệnh từ xa và khám bệnh ngay tại nhà.
PGS Hiếu chia sẻ, trong lĩnh vực tim mạch, Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin trong tầm soát và sàng lọc, dựng hình 3D mổ nội soi thay van tim, hội chẩn từ xa. Trong khi đó thế giới đã sử dụng robot để can thiệp tim.
"Tôi đã tìm hiểu công nghệ này ở các nước và tin tưởng trong thời gian không xa, Việt Nam cũng có thể can thiệp đặt stent bằng robot với độ chính xác cao hơn con người”, PGS Hiếu chia sẻ.
Ngoài ra, nhờ Big Data (phân tích dữ liệu lớn) kết hợp AI, bác sĩ có thể tối ưu hoá phác đồ điều trị cho bệnh nhân dựa trên dữ liệu của hàng triệu ca bệnh. Thậm chí trong một số trường hợp, hệ thống AI được huấn luyện còn làm tốt hơn bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.
Với nền tảng chăm sóc sức khoẻ từ xa mới được giới thiệu cho phép bệnh nhân kết nối trực tiếp với bác sĩ để hỏi đáp, đo trực tiếp huyết áp, nhắc lịch uống thuốc, nhận cảnh báo, đặt lịch khám bệnh… PGS Hiếu cho rằng chỉ trong tương lai không xa, bệnh nhân chỉ cần ngồi nhà vẫn có thể được khám bệnh.
Nếu cần các thiết bị chuyên sâu hơn, nhân viên y tế có thể mang máy siêu âm kích cỡ nhỏ đến nhà bệnh nhân, thực hiện ngay tại chỗ là các các chuyên gia y tế hàng đầu ngồi ở đầu cầu trung tâm có thể đánh giá được tình trạng bệnh, đưa ra các chỉ định hợp lý.
Người dân kết nối trực tiếp với BS Nguyễn Tiến Hiến, BV 19-8, Bộ Công An
Hiện tại, đã có hơn 1.100 bệnh nhân sử dụng nền tảng khám chữa bệnh từ xa trực tuyến, 25 bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện E, Bệnh viện 198, BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh, BV đa khoa tỉnh Ninh Bình tham gia. Người dân có thể tuỳ chọn bác sĩ để nhận tư vấn, theo dõi sức khoẻ cũng như nhận lịch khám.
Trực tiếp phối hợp xây dựng nền tảng ngay từ những ngày đầu, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện tim mạch quốc gia, Phó chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam cho biết, khi tham gia nền tảng này, bệnh nhân tăng huyết áp sau khi có chỉ dẫn, đơn kê thuốc của bác sĩ trực tuyến có thể đến ngay trạm y tế xã để lấy thuốc mà không cần đến khám tại các bệnh viện tuyến trên.
“Trường hợp bệnh nhân thấy có biểu hiện bất thường cũng có thể liên hệ ngay với các bác sĩ đã đăng ký để được giải đáp, tư vấn, điều trị kịp thời”, PGS Hùng nói.
Tuy nhiên, do mới triển khai bước đầu nên PGS Hùng cho rằng cần hoàn thiện thêm cơ chế ràng buộc trách nhiệm của bác sĩ khi tham gia nền tảng này, tránh trường hợp bệnh nhân liên hệ nhưng không nhận được trả lời.
Theo PGS Hùng, nền tảng này trước hết nhắm vào bệnh tim mạch, tăng huyết áp do đây là căn bệnh có số người mắc lớn và tỉ lệ tử vong lớn nhất trong cơ cấu bệnh tật.
Số liệu mới nhất cho thấy có tới 47% người trên 25 tuổi tại Việt Nam bị tăng huyết áp, nhưng 50% trong số này không biết mình mắc bệnh.
Trong số 50% biết mình bị bệnh, chỉ có 2/3 được điều trị, tuy nhiên chưa đầy 1/3 trong số này đưa huyết áp về mức mục tiêu dưới 140/90 mmHg (chiếm 11% trong tổng số bệnh nhân bị tăng huyết áp tại Việt Nam).
Trong thời gian tới, nền tảng chăm sóc sức khoẻ từ xa sẽ tiếp tục mở rộng sang các bệnh khác như tiểu đường, bệnh thận, các bệnh nhi khoa… và mở rộng mạng lưới đến các bệnh viện trên toàn quốc.
Thúy Hạnh
Cả nước đã có hơn 1.000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa
Chưa đầy 5 tháng, đề án Khám chữa bệnh từ xa đã về đích với hơn 1.000 điểm kết nối trên khắp cả nước.