Vietnam ICT Summit 2018 bàn về “Chính phủ số, kinh tế số trong thời chuyển đổi số”

Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) là diễn đàn chính sách, công nghệ và thúc đẩy hợp tác quy mô quốc gia và quốc tế, được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2011 với sự bảo trợ của Bộ TT&TT. Những năm qua, Vietnam ICT Summit luôn thu hút sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu và giới truyền thông cùng thảo luận, chia sẻ về tầm nhìn, xu thế phát triển, đặc biệt là các giải pháp lớn đưa CNTT làm nền tảng hạ tầng tạo phương thức phát triển mới.

Cùng với đó, các kỳ Vietnam ICT Summit hàng năm đều đưa ra thông điệp về chính sách và công nghệ, khuyến nghị với Đảng, Chính phủ, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Đặc biệt, trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng số hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), từ năm 2016, Vietnam ICT Summit đã hướng tới mục tiêu tìm kiếm giải pháp cho Việt Nam nắm bắt được thời cơ của cuộc CMCN 4.0, tiến cùng thời đại số.

Cụ thể, với chủ đề “Cách mạng số - Cơ hội và Thách thức”, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam lần thứ 6 đã tạo dấu ấn đặc biệt và được đánh giá là một diễn đàn phát triển kinh tế - xã hội quốc gia có tầm chiến lược và ý nghĩa quan trọng khi lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chính thức phát biểu chỉ đạo về quyết tâm của Chính phủ nắm bắt thời cơ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp đó, năm 2017, Diễn đàn lần thứ 7 với chủ đề “Việt Nam: Chuyển đổi số trong công nghiệp 4.0” thảo luận về xây dựng Chiến lược số của Việt Nam trong CMCN 4.0 đã thiết thực góp phần cụ thể hóa triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Vietnam ICT Summit 2018 bàn về “Chính phủ số, kinh tế số trong thời chuyển đổi số”

Với năm nay, thông tin từ VINASA vừa cho biết, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam lần thứ 8 - năm 2018 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18/7 tới. Có chủ đề “Chính phủ số, kinh tế số trong thời chuyển đổi số”, Diễn đàn lần này nhằm đóng góp thiết thực vào quá trình triển khai xây dựng chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020.

Dự kiến, Vietnam ICT Summit 2018 sẽ có sự tham dự của khách mời đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các khách mời diễn giả quốc tế như: ông Idris Jala - Chủ tịch Công ty tư vấn toàn cầu PEMANDU, nguyên Chủ tịch Cơ quan quản lý và bảo đảm hiệu quả chuyển đổi quốc gia Malaysia; ông Siim Sikkut - Giám đốc CNTT Chính phủ, Bộ Kinh tế và Truyền thông Estonia; và ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam.

Cũng theo Ban tổ chức, ba chuyên đề chính sẽ được tập trung thảo luận sâu tại kỳ Diễn đàn lần này là gồm: Chuyên đề 1 - “Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số” tập trung thảo luận xây dựng nền tảng chính phủ số; chuyển đổi số các thủ tục hành chính như thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, giấy phép chuyên ngành, chứng từ hóa đơn điện tử, các dịch vụ công thiết yếu chất lượng cao…;

Chuyên đề 2 về “Kinh tế số” tập trung thảo luận xây dựng môi trường kinh doanh số; lựa chọn các ưu tiên phát triển kinh tế số của Việt Nam; thúc đẩy các nền tảng, mô thức kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo. Chuyên đề 3 về "Hạ tầng số" sẽ tập trung thảo luận xây dựng các cấu phần của hạ tầng số phù hợp với chính phủ số và phát triển kinh tế số của Việt Nam như: hạ tầng thiết bị, hạ tầng kết nối, hạ tầng ứng dụng và hạ tầng nhân lực.

Đáng chú ý, Ban tổ chức cho biết thêm, tại Vietnam ICT Summit năm nay, 3 nội dung quan trọng sẽ được thực hiện, đó là: Công bố thành lập và ra mắt Ủy ban quốc gia về xây dựng Chính phủ điện tử; Công bố báo cáo của World Bank về mức độ sẵn sàng của của Chính phủ số và Du lịch mở tại Việt Nam; và tổ chức họp báo ngay trước giờ khai mạc sự kiện để thông tin về Bộ chỉ số và Kết quả đánh giá năm đầu tiên đối với chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (dịch vụ công) của doanh nghiệp.