Phó Thủ tướng lưu ý: Khi sắp xếp, sáp nhập huyện xã phải tôn trọng ý kiến từ cơ sở, không làm máy móc. Bởi sướng hay khổ là cơ sở chịu và do họ làm, từ việc vận động cán bộ công chức dôi dư nghỉ việc sớm, chuyển nơi làm việc...
Chiều 28/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030 chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo.
Khuyến cáo công dân nên đổi căn cước
Một trong những lo ngại được một số địa phương gửi đến Ban Chỉ đạo khi sắp xếp, sáp nhập huyện xã sẽ phát sinh khó khăn trong việc chuyển đổi giấy tờ cho người dân; các xã, phường, thôn, xóm có tên gọi theo số thứ tự, sau sắp xếp sẽ bị trùng tên gọi…
Giải đáp vấn đề này, đại diện Bộ Công an cho hay, khi sắp xếp lại địa giới hành chính có thay đổi về tên gọi. Một số trường thông tin của công dân sẽ thay đổi nên Bộ Công An sẽ chạy lại hệ thống dữ liệu dân cư và có sự phối hợp của công dân cũng như Bộ Tư pháp để chạy lại toàn bộ hệ thống.
“Việc này có một chút khó khăn nhưng thực hiện được”, đại diện Bộ Công an nói.
Ông cũng thông tin thêm, quy định hiện nay không yêu cầu công dân phải đổi giấy tờ căn cước công dân. Tuy nhiên để thuận tiện cho giao dịch thì Bộ Công an khuyến cáo nên đổi căn cước công dân theo địa danh mới và người dân sẽ được miễn lệ phí.
Đại diện Bộ Công an cũng nói thêm, có một số trường thông tin liên quan giấy khai sinh như nơi sinh, quê quán, Bộ Công an sẽ có phối hợp với Bộ Tư pháp để chạy trên toàn hệ thống. Đồng thời sẽ phối hợp cùng người dân để điều chỉnh.
Bộ Công an sẽ có chỉ đạo cụ thể sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về sắp xếp đơn vị hành chính.
Liên quan đến kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, đại diện Bộ KH-ĐT cho biết, hiện theo số liệu báo cáo, sau khi sắp xếp sẽ giảm hơn 600 xã, 14 huyện. Theo Nghị quyết 35, ngân sách nhà nước sẽ bố trố trí khoảng 600 tỷ để hỗ trợ một lần cho các địa phương theo mức 20 tỷ đồng/1 huyện giảm, 500 triệu/1 xã giảm sau khi sắp xếp.
Số tiền này Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên Bộ KH-ĐT kiến nghị nên sử dụng kinh phí thường xuyên, vì nếu sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thì theo Luật Đầu tư công sẽ rất phức tạp, với rất nhiều quy trình, thủ tục. Vì vậy Bộ KH-ĐT kiến nghị để Bộ Tài chính bố trí trong chi thường xuyên, để các huyện, xã nhận một lần, thực hiện cho dễ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn việc thanh toán, quyết toán kinh phí gửi các địa phương. Cơ bản các địa phương không có phản ánh gì nhiều.
Tuy nhiên, qua phản ánh của Bộ Nội vụ còn một số địa phương như Bình Thuận, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An cho rằng hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa rõ thì Bộ Tài chính sẽ làm việc để lắng nghe, trường hợp cần sẽ hướng dẫn thêm.
Về kinh phí, bước đầu dự kiến hỗ trợ 20 tỉ đồng/huyện và 500 triệu đồng/xã giám sau sáp nhập, ông Hưng cho hay. Đây là nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lấy ở nguồn vốn chi đầu tư phát triển và Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ để phân bổ chi phí theo đúng quy định về phân bổ ngân sách nhà nước.
“Kẹt lắm" mới phải chuyển qua giai đoạn sau
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, trách nhiệm, vai trò của các thành viên trong Ban Chỉ đạo mang tính quyết định. Bởi đây là việc hệ trọng, trách nhiệm chính trị trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ nên không còn cách nào khác là phải làm.
Thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo cùng nhau phối hợp thẩm định hồ sơ, đề án của 56 tỉnh thành theo hướng chia nhóm để làm cuốn chiếu. Sau khi Ban Chỉ đạo thẩm định xong trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua từ nay đến hết tháng 9, không dồn vào làm một lúc.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, hơn lúc nào hết là dồn lực để giải quyết các khó khăn vướng mắc của địa phương. Nếu có khó khăn vướng mắc gì của địa phương thì Bộ Nội vụ phối hợp các thành viên trong Ban Chỉ đạo giải quyết ngay.
“Đây là việc cực khó, rất phức tạp cần có sự phối hợp, thống nhất, cùng chia sẻ với các địa phương để làm. Mục tiêu là quyết tâm với tinh thần linh hoạt từng trường hợp cụ thể, với yêu cầu cao nhất để đạt được mục tiêu, chủ trương chung của Đảng và Quốc hội giao”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, hiện đã làm được khoảng 60% công việc, nhưng 40% công việc còn lại rất khó khăn, trong khi thời gian còn lại không nhiều, chỉ khoảng 6 tháng, nên đòi hỏi phải có sự nỗ lực quyết tâm lớn. Bởi thật sự không ai muốn sắp xếp, sáp nhập, xáo trộn nhưng đây là chủ trương lớn phải làm.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ điểm thuận lợi trong sắp xếp ĐVHC lần này là đã quen câu chuyện này hơn.
“Đầu nhiệm kỳ nói sắp xếp, sáp nhập là nhiều nơi phản ứng dữ lắm, tôi ở địa phương lúc đó cũng phản ứng. Nhưng bây giờ thuận lợi hơn, thậm chí có 20 địa phương chủ động đề xuất sáp nhập để có đất, có dư địa phát triển”, Phó Thủ tướng nêu thực tế.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề ra một số nguyên tắc triển khai thực hiện. Cụ thể là thủ tục rút gọn nhất có thể. Cái gì có thể cho nợ được thì cho nợ, với điều kiện đáp ứng được yêu cầu, còn nếu dàn hàng ngang trong 6 tháng thì sẽ làm không xong.
Nguyên tắc nữa là trường hợp nào “kẹt lắm”, chưa làm ngay được thì mới phải chuyển qua giai đoạn sau, nhưng việc này rất hãn hữu.
Một điểm nữa theo Phó Thủ tướng là phải làm đồng thời, 2, 3 việc cùng một lúc thì mới kịp tiến độ. Cuối cùng là phải tôn trọng ý kiến anh em từ cơ sở.
“Chúng ta không máy móc, vì sướng hay khổ là cơ sở chịu và việc triển khai như thế nào là ở dưới họ làm, còn trên này chỉ duyệt đề án, tức là xác nhận đề xuất từ cơ sở. Còn việc triển khai, vận động cán bộ công chức dôi dư nghỉ việc sớm, chuyển nơi làm việc là việc của địa phương… chúng ta cần phải tôn trọng anh em cơ sở, nếu không chúng ta sẽ thất bại”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, từ 1/1 – 29/7/2023 có hơn 5.000 tin bài phản ảnh về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Từ khi có Nghị quyết của Chính phủ từ 30/7/2023 đến nay có hơn 4.500 tin bài về nội dung này. Trong đó chủ yếu là các báo lớn Trung ương quan tâm là chính, cạnh đó có một số báo địa phương.
Ông Lâm cho hay, nhìn chung dư luận xã hội trong toàn quốc về việc sắp xếp đơn vị hành chính, luân chuyển cán bộ là không có vấn đề gì tâm tư, thậm chí là khuyến khích, hoan nghênh để làm cho bộ máy tinh gọn, siết chặt kỷ luật kỷ cương.
Theo Thứ trưởng, truyền thông về nội dung này phải tinh tế, chuyển về địa phương, xuống cấp tỉnh, huyện, xã. Vì vậy, cần phát huy tích cực hệ thống thông tin cơ sở, thông tin điện tử, loa đài phường xã và triển khai thêm qua zalo.
Phó Thủ tướng lưu ý, sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là đụng chạm đến các địa phương, đụng chạm đến chế độ chính sách của rất nhiều người nên đòi hỏi phải làm thật kỹ lưỡng.
Nhiều địa phương tự nguyện đề xuất sắp xếp thêm nhiều đơn vị hành chính cấp huyện nên tổng số huyện thực hiện sáp nhập trong năm 2024 lên đến 50 đơn vị, tăng 20 đơn vị so với con số bắt buộc phải sáp nhập ban đầu.
Trước thông tin đồn thổi một số tỉnh sẽ sáp nhập trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định Bộ Nội vụ chưa tính toán hay đề xuất gì về việc sắp xếp, sáp nhập bất cứ tỉnh, thành nào.