Sự cố sập nhà nghiêm trọng xảy ra tại ngôi nhà số 43 phố Cửa Bắc, Ba Đình, thành phố Hà Nội vào rạng sáng 4/8 cướp đi sinh mạng của 2 người, làm bị thương nhiều người vẫn khiến người dân thủ đô lo sợ.

“Có chuyện là đổ”

Đây không phải là lần đầu tiên sự cố sập nhà gây thiệt hại lớn về người và tài sản xảy ra tại Hà Nội. Trước đó, ngôi nhà 5 tầng đang sửa chữa số 47 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ đổ sập hoàn toàn thậm chí cả biệt thự Pháp cổ ở số 107 Trần Hưng Đạo bất ngờ đổ sập cướp đi mạng sống nhiều người dân. Trong đó, nguyên nhân phần lớn là do nhà cũ nát hoặc thi công, sửa chữa không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

{keywords}
Mô tả

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chúng ta đã đổ một nhà ở Huỳnh Thúc Kháng rồi đến biệt thự Pháp cổ ở Trần Hưng Đạo. Trong vụ sập nhà phố Cửa Bắc, nhà đó vẫn đứng nếu nhà hàng xóm không thay đổi hiện trạng. Việc thay đổi hiện trạng các công trình trong khu vực phố cổ có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm.

Về việc thay đổi hiện trạng các công trình trong khu vực phố cổ, ông Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội phân tích, ở khu phố cổ nhà nọ chen nhà kia, nhà kia đỡ nhà này nên khi đào móng nhà bên cạnh cũng có thể ảnh hưởng đến móng nhà bên này. Nhiều ngôi nhà ở đây có tuổi thọ từ rất lâu tất cả mọi thứ đều yếu từ vữa xây, cát đến việc xuất hiện hiện tượng nứt nẻ. Độ chắc chắn không có nhiều. Có thể nếu không có đụng chạm gì thì nó còn tồn tại bây giờ nếu tạo hiện tượng sụt móng thì sẽ bị mất cân bằng và sẽ sập.

“Vấn đề xây chen trong phố cổ phải rất thận trọng có thể gây ra hiện tượng lún móng kéo nhà bên kia. Nhà bên cạnh xây chen khoét móng, khoét sâu hơn trong khi nhà đó đã đến giới hạn chịu đựng thì chỉ cần có một việc tạo ra sự mất cân bằng sẽ đổ sập nhà là bình thường” – ông Hùng nói.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, không ai mong nhà sập nhưng việc sập nhà ở Hà Nội là điều không bất ngờ. Theo ông Tùng, đặc trưng của Hà Nội không phải là khu đô thị mà nhà phố có rất nhiều loại công trình xây tựa vào nhau, xây chen vào nhau. “Nó như rừng cây, cây nào cũng muốn vươn cao, còn cây yếu thì bị đổ. Không thể trách người dân bởi mỗi người mỗi cảnh, có nhà xây từ lâu với tuổi thọ lâu đời nhưng không phải ai cũng đập đi xây lại được cho nên quản lý những đô thị cổ, cũ và mới phải có quy chế quản lý rất rõ” – vị này đặt vấn đề.

Không thể chỉ quản lý trên những văn bản

Liên quan đến sự cố sập nhà tại phố Cửa Bắc, theo báo cáo của Công an phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, đây là vụ việc có tính chất phức tạp. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến sập nhà bắt nguồn từ hai yếu tố chính. Thứ nhất là do công trình số 43 phố Cửa Bắc đã được xây dựng từ lâu, vào khoảng những năm 1980 của thế kỷ trước, nhưng móng nhà hầu như không có. Thứ hai, ngôi nhà bị đổ sập còn bắt nguồn từ việc xây dựng, đào móng của ngôi nhà liền kề do gia đình bà Nguyễn Thị Vân sở hữu ở số 41 Cửa Bắc.

Công trình số 41 Cửa Bắc do gia đình bà Nguyễn Thị Vân sở hữu. Bà Vân đã xin phép sửa chữa và đã nhận được công văn số 1123/UBND-QLĐT của Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình ngày 2/8 cho phép khôi phục nhà cũ. Việc chấp thuận này không thay thế giấy phép xây dựng. Theo quy định, trước khi khôi phục nhà cũ, phải khảo sát hiện trạng các công trình liền kề, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với việc gây hư hỏng các công trình liền kề...

Trao đổi về vấn đề này, ông Liêm cho rằng, Hà Nội có phân cấp quản lý cho các đơn vị. Vấn đề cho cải tạo nhưng họ lại xây mới. Vậy ai là người kiểm tra việc thực hiện này?

“Đầu tiên phải quy định rõ anh được giấy phép gì dù là cải tạo hay xây mới đều phải trình với phường trước khi khởi công. Giấy phép cải tạo nhưng lại phá đi làm móng thì phường kiểm tra biết ngay. Sau khi kiểm tra phải lập tức báo cáo lên quận xử lý ngay chứ không để hậu quả xảy ra như thế. Có bổ nhát cuốc đầu tiên hay phá mảnh tường đầu tiên đều phải có báo cáo. Phường thì ở ngay đó chứ có ở xa đâu. Đi qua hàng ngày sao lại không biết. Họ làm mà phường không hỏi đến? Ai muốn làm gì thì làm không hỏi đến thì anh làm gì?” – ông Liêm nêu ý kiến.

Trong khi đó, theo KTS Phạm Thanh Tùng, khi cấp phép xây dựng thì dứt khoát đối với những công trình liền kề trong các khu phố cũ bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường của nhà đó xem có ảnh hưởng đến nhà bên cạnh không. Phải kiểm tra được biện pháp thi công nữa. Đây là nguyên tắc. “Cho nên quản lý xây dựng phải rất chặt chẽ chứ không phải là một vài văn bản. Và đồng thời thanh tra xây dựng phải có chuyên môn không phải chỉ kiểm tra có cái giấy phép là đi về. Chúng ta thanh tra xây dựng đang làm theo kiểu có giấy phép là đi về chứ không có phát hiện” – vị Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tùng, ở nước ngoài, cơ quan quản lý đều có dữ liệu về lai lịch, thiết kế của từng ngôi nhà, tuyến phố. Còn ở đây nhà đổ sập rồi mới cãi nhau, cái đó là chúng ta đi giải quyết hậu quả chứ không phải ngăn ngừa. Hà Nội phải coi ngôi nhà như một bệnh nhân, phải có sổ y bạ cho từng ngôi nhà.

Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa diễn ra, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra con số làm cho nhiều người phải giật mình. Trên địa bàn hiện có 1.597 tòa nhà chung cư cũ và hơn 200 địa điểm chung cư rời lẻ. Nhưng trong vòng 15 năm qua, mới cải tạo được 14 tòa chung cư (chưa đến 1%).

Ông Chung đã phải thốt lên, thực sự là lãnh đạo thành phố rất run khi người dân ở những khu chung cư rất cũ nát. Nếu chẳng may thiên tai địch họa thì sẽ có những vấn đề khôn lường. Chúng ta cảm thấy bình an thế thôi nhưng chẳng may có vấn đề gì liên quan thiên tai địch họa là điều rất đáng lo. Các nước đã có bài học rồi, làm sao mà lường được hết những chuyện đó.

Theo Chủ tịch Hà Nội thời gian tới, TP không đánh giá mức độ nguy hiểm của các tòa nhà làm tiêu chí cải tạo chung cư cũ mà lấy thời hạn sử dụng làm nguyên tắc để xây dựng lại.

Hồng Khanh