Để có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính (CCHC), ngày 24/3/2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã ký quyết định ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC năm 2016 của Ban chỉ đạo này.
Mục tiêu của kế hoạch là đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện công tác CCHC trên các lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành; việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực trọng tâm tại một số bộ, ngành, địa phương; từ đó có biện pháp chỉ đạo sát hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ CCHC trong thời gian tiếp theo.
Kế hoạch kiểm tra này cũng nhằm phát hiện những cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong cả nước; kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ CCHC tại các bộ, ngành, địa phương để có hướng khắc phục, tháo gỡ trong tổ chức thực hiện; ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thống nhất trong cả nước; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương, hành chính của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện CCHC.
Theo kế hoạch, một trong những nội dung sẽ được kiểm tra là tình hình triển khai và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực như: rà soát, đơn giản hóa và công khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng…. liên quan đến người dân và doanh nghiệp; tình hình triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông…
Bên cạnh đó, cũng kiểm tra việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ (Nghị quyết 36a) và Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 1819).
Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra do Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ làm Trưởng đoàn sẽ kiểm tra công tác CCHC tại Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, TP.Hà Nội và TP.HCM. Đoàn kiểm tra do Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn sẽ kiểm tra công tác CCHC tại Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Cà Mau và các bộ, ngành, địa phương khác do Phó Trưởng ban thường trực quyết định.
Đối với đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn, đối tượng kiểm tra gồm có Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Thái Nguyên, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Tây Ninh, An Giang và các bộ, ngành, địa phương khác do Phó Trương ban quyết định.
Ngoài ra, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, các thành viên Ban chỉ đạo chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra công tác CCHC năm 2016 tại các bộ, ngành, địa phương theo yêu cầu và điều kiện thực tế.
Trước đó, vào ngày 23/3/2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cũng đã ký quyết định ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2016 của Ban Chỉ đạo. Trong kế hoạch này, Phó Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT và Bộ KH&CN chủ trì đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các nội dung hiện đại hóa hành chính. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị quyết 36a và Quyết định 1819. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thông qua đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức; Nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan hành chính thông qua việc sử dụng hiệu quả mạng thông tin điện tử hành chính. Đồng thời, quy trình hoá việc giải quyết công việc của cơ quan hành chính theo Quyết định 19/2014/QĐ-TTg ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.