Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải (nước thải, khí thải) và phục hồi môi trường (gọi tắt là Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật) đang được Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tích cực hoàn thiện dựa trên những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý và các địa phương.
Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật này nhằm cụ thể hóa các quy định pháp luật trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải (nước thải, khí thải) và phục hồi môi trường sau sự cố nước thải để các cấp, đặc biệt là cơ sở sản xuất, có thể tự xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải (nước thải, khí thải) theo hướng dẫn, qua đó chủ động chuẩn bị tốt các nguồn lực, phương án, phương tiện, thiết bị, tránh xảy ra các sự cố chất thải lớn xảy ra; hoặc nếu xảy ra sự cố thì sẵn sàng tổ chức ứng phó hiệu quả, đảm bảo an toàn môi trường.
Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật gồm 4 phần: Giới thiệu chung; Nội dung hướng dẫn phòng ngừa sự cố chất thải (nước thải, khí thải) cấp cơ sở (cơ sở sản xuất), cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia; Nội dung hướng dẫn ứng phó sự cố chất thải (nước thải, khí thải) cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia; Nội dung hướng dẫn phục hồi môi trường sau sự cố nước thải cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Quy trình phòng ngừa sự cố nước thải, khí thải của từng cấp đều xác định rõ cách phân loại mức độ rủi ro; kịch bản tác động của sự cố theo các mức độ, với nhiều nội dung cụ thể về các phương án kiểm tra, giám sát, tổ chức tập huấn, diễn tập, tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan…
Đối tượng áp dụng của Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật gồm: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ dịch vụ thuộc 17 loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh, các cơ quan liên quan cấp quốc gia.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Văn Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo lưu ý: Gần đây, các sự cố do chất thải (đặc biệt là nước thải, khí thải) từ hoạt động của các cơ sở sản xuất ngày càng có xu hướng gia tăng, làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, môi trường không khí nơi xảy ra sự cố, gây ra nhiều thiệt hại cho hệ sinh thái tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội và sức khỏe, đời sống con người.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo nêu một số dẫn chứng cụ thể như: Sự cố khí thải ở Nhiệt điện Vĩnh Tân; Sự cố nước thải ở Nhà máy Mía đường Hòa Bình làm chết cá trên sông Bưởi tại Thanh Hóa; Sự cố nước thải Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm khu vực ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế; Sự cố nước thải nhà máy đường Hậu Giang làm ô nhiễm sông Hậu và ảnh hưởng đến nguồn nước; Sự cố chất thải bùn Boxit Tây Nguyên...
Tuy nhiên, “công tác phòng ngừa, ứng phó tại các cơ sở sản xuất lại gặp nhiều khó khăn do thiếu các hướng quy chuẩn kỹ thuật trong phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải”, Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuấn lưu ý.
Nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường nói chung, sự cố chất thải nói riêng, để các cấp xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa sự cố chất thải hiệu quả, giúp ngăn ngừa các sự cố chất thải lớn xảy ra, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất, nơi thường xuyên có nguy cơ sự cố chất thải.
Thời gian qua, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo đã tổ chức một số hội thảo tại các địa phương để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải (nước thải, khí thải) và phục hồi môi trường.
Dự kiến Ban soạn thảo hoàn thiện Tài liệu hướng dẫn, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trong năm 2024.