Chuẩn bị hành lang pháp lý cho ngân hàng mở
Thực hiện quy định tại Điều 105 Luật các TCTD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng và ban hành thông tư về OpenAPI (giao tiếp lập trình ứng dụng mở). OpenAPI cho phép các ứng dụng, phần mềm, nền tảng số của khách hàng kết nối và trao đổi dữ liệu với các dịch vụ ngân hàng một cách hiệu quả và an toàn.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết dự thảo thông tư đang trong giai đoạn lấy ý kiến rộng rãi trước khi hoàn thiện để trình Thống đốc ký ban hành trong quý IV/2024.
Sau khi thông tư ban hành sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng Fintech cung ứng các dịch vụ sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của dịch vụ ngân hàng mở (Open Banking).
Bên cạnh đó, NHNN cũng đang nghiên cứu xây dựng ban hành thông tư thay thế Thông tư 35/2016/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet. Thông tư mới sẽ tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ trong hệ sinh thái ngân hàng mở một cách thuận tiện, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước có thể quản lý một cách chặt chẽ.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết thêm, NHNN đang trình Chính phủ ký ban hành nghị định về thực hiện có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Nghị định đang trong giai đoạn cuối cùng của việc xin ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi trình Thủ tướng ký ban hành.
“Hy vọng có thể quý IV/2024 nghị định này được Chính phủ ký sẽ tạo sân chơi mới trong việc triển khai các sản phẩm dịch vụ”.
“Ngân hàng mà không thấy ngân hàng”
Ngân hàng mở (Open Banking) là xu hướng phát triển trong thời gian tới. Nói một cách khái quát, ngân hàng mở là sự kết nối giữa ngân hàng với các nhà cung cấp dịch vụ với bên thứ ba thông qua việc ngân hàng mở dữ liệu một cách có kiểm soát.
Thông qua đó, người tiêu dùng nhận được các sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng với nhiều lựa chọn với chi phí hợp lý, hiệu quả đem lại cho các tổ chức cung ứng dịch vụ cũng tốt hơn.
Trên thực tế, người tiêu dùng hiện nay đã quen với việc sử dụng app của các đơn vị cung cấp dịch vụ để thực hiện thanh toán thông qua kết nối giữa các sản phẩm dịch vụ này với ngân hàng. Người tiêu dùng cũng đã quen với việc cho phép trích nợ từ tài khoản theo định kỳ;… đó cũng là một phần trong hệ sinh thái ngân hàng mở.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, khi TCTD và các trung gian thanh toán thay đổi mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, người dùng nhìn vào một ứng dụng sẽ không thấy ngân hàng đâu cả, nhưng lại hoàn toàn có thể thực hiện các dịch vụ ngân hàng qua ứng dụng đó.
Phó Thống đốc lấy ví dụ về ứng dụng các dịch vụ công của thành phố Hà Nội, một khi đã kết nối ngân hàng mở thì hoàn toàn có thể thực hiện các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng này.
“Thời gian qua các ứng dụng ngân hàng đã gọi 50 triệu lượt xe taxi, kể cả các dịch vụ hàng hoá khác cũng được tích hợp trong ứng dụng ngân hàng. Có nghĩa là ngân hàng mà không thấy ngân hàng, dịch vụ mà không thấy dịch vụ. Công dân Việt Nam phải thực hiện được các dịch vụ trên thiết bị di động”, Phó Thống đốc nói.
Đáng chú ý, lần đầu tiên ngân hàng có thể triển khai mở thanh toán ngay trên ứng dụng VNeID. Tính năng này vừa được Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) triển khai sau khi phối hợp với Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR – thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an).
Theo đó, mọi khách hàng đã cài đặt và định danh mức 2 trên ứng dụng VNeID sẽ có thêm một lựa chọn phương thức mở tài khoản đơn giản, nhanh chóng, an toàn ngoài hình thức đăng ký tại quầy hoặc đăng ký trên ứng dụng ngân hàng số như trước đây. Nhờ đó, mang đến sự thuận tiện tối đa cho công dân trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số.
Dự kiến trong thời gian sắp tới, Trung tâm RAR và ngân hàng này sẽ tiếp tục phối hợp để nghiên cứu và ra mắt thêm nhiều tính năng khác, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và thúc đẩy chuyển đổi sổ, thanh toán không dùng tiền mặt.