Với loại cảm biến mới, các nhà khoa học có thể tạo ra một loại găng tay có thể phát hiện được các khối u dưới da cho ngành y tế.

Các nhà khoa học đã phát triển thành công một cảm biến áp lực có thể uốn cong và trong suốt với khả năng duy trì độ chính xác ngay cả trên các bề mặt cong và mềm như da người.

{keywords}

Cảm biến này chỉ dày khoảng 8 micromet có thể phát hiện áp lực tại 144 điểm cùng một lúc. Khả năng này giúp cho các bác sĩ có thể phát hiện được những bệnh như ung thư vú trên người bệnh khi sử dụng găng tay trang bị cảm biến này.

Những cảm biến áp lực trước đây đã có thể uốn cong song chúng thường không đạt độ chính xác cao khi gặp bề mặt cong hay nhăn nheo. Chúng cũng có kích thước dày hơn khá nhiều, khoảng 100 micromet.

Ngược lại, loại cảm biến mới do các nhà khoa học Nhật và Mỹ phát triển có thể duy trì được độ nhạy ngay cả với những bề mặt rất cong.

Theo các nhà nghiên cứu, cảm biến của họ có thể duy trì độ chính xác ngay cả với những đoạn cong có bán kính chỉ 80micromet, tương đương với kích thước của 2 sợi tóc.

Thực tế, các bác sĩ không bao giờ cần kiểm tra những phần cong nhỏ tới như vậy. Nó cho thấy rằng, cảm biến mới được phát triển có thể đo được áp lực ở những đối tượng nhỏ tới mức nào.

“Thiết bị điện tử uốn cong rất có tiềm năng cho thiết bị cấy dưới da hay đeo mặc”, Sungwon Lee, thuộc Đại học Tokyo, người đứng đầu nghiên cứu nói. “Tôi nhận ra rằng có khá nhiều nhóm phát triển các cảm biến uốn cong có thể đo áp lực nhưng không nhóm nào phát triển sản phẩm phù hợp để đo các đối tượng thật. Bởi lẽ chúng quá nhạy với những bề mặt cong. Đó là lý do chúng tôi phát triển theo hướng này và tôi nghĩa chúng tôi đã đưa ra được một giải pháp hiệu quả cho vấn đề này”.

Để tạo nên các cảm biến linh hoạt này, nhóm nghiên cứu đã gắn các ống carbon nano và siêu vật liệu graphen lên một tấm polyme đàn hồi, tạo ra các sợi nano có đường kính 300-700 nanomet. Các sợi nano này được “trộn” vào nhau để hình thành hỗn hợp vừa trong suốt vừa siêu mỏng.

Hỗn hợp này được gắn thêm cảm biến ma trận đo áp lực dày 2 micromet giúp cấu trúc sợi nano có thể đo được áp lực trên những bề mặt mà các cảm biến trước đây không thể làm được.

Các nhà khoa học nói rằng, cảm biến áp lực của họ có thể được sử dụng trong robot và các hệ thống y tế. Họ cũng đã bắt đầu thử nghiệm để chứng minh cho sức mạnh của các sợi nano.

“Chúng tôi cũng đã thử nghiệm cảm biến áp lực của chúng tôi với các mạch máu nhân tạo và phát hiện ra rằng nó có thể đo được những thay đổi áp lực rất nhỏ và tốc độ truyền áp lực”, Lee nói.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học tạo ra cảm biến áp lực siêu mỏng, tuy nhiên, nếu nó có thể phát hiện được các khối u ẩn dưới da người, chúng ta có thể tin tưởng vào những gì mà công nghệ này có thể làm được trong tương lai đối với sức khỏe con người.

Hà Phương (Theo ScienceAlert)

XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ KHÁC